Tình trạng dự án “đắp chiếu” tràn lan không chỉ xảy ra tại các quận, huyện ven nội thành Hà Nội như Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Quốc Oai… mà còn ở những quận nội thành. Được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án nhưng chủ đầu tư chây ì, thậm chí bỏ hoang gây lãng phí là một thực trạng ở nhiều đô thị lớn, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội.
Tình trạng dự án “đắp chiếu” xảy ra tràn lan |
Trong tháng 4/2015, Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội đã giám sát trực tiếp tại Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng. Kết quả cho thấy, đến nay còn 209 dự án chậm đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng liên tục kể từ khi được bàn giao trên thực địa; 172 dự án chậm tiến độ thực hiện hơn 24 tháng; 72 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với số tiền lên tới 4.715 tỷ đồng, trong đó có 3.152 tỷ đồng được gia hạn theo Nghị quyết của Chính phủ nhưng đến hạn vẫn không nộp. Đáng chú ý, có tới 130 dự án sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, nhiều dự án đồng thời vi phạm nhiều quy định như chậm triển khai, sử dụng sai mục đích, nợ tiền sử dụng đất…
Tại quận Nam Từ Liêm, trong tổng số 100 dự án đang thực hiện trên địa bàn đã có 58 dự án vi phạm. Trong đó có 21 dự án chậm giải phóng mặt bằng, không đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng với tổng diện tích hơn 70 ha; 32 dự án chậm tiến độ thực hiện dự án 24 tháng so dự án đầu tư được phê duyệt với hơn 120 ha. Trong đó, có dự án đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2002 đến nay vẫn chưa triển khai như ô đất trong khu đô thị Mễ Trì Hạ của Công ty CP Tu tạo và Phát triển nhà Hà Nội; dự án xây dựng văn phòng và cửa hàng giới thiệu sản phẩm (chung cư 99 Trần Bình) của Công ty TNHH Đức Phương… Nhiều dự án sử dụng sai mục đích, khiến người dân bức xúc vì cho rằng chính quyền không thực hiện đúng lời hứa sau khi thu hồi đất, để cho các tổ chức sử dụng đất sai mục đích.
Quận Tây Hồ cũng có 20 dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai. Trong đó, UBND quận đã có văn bản trình UBND thành phố thu hồi ba dự án sau khi bàn giao đất, các đơn vị chỉ thực hiện một phần diện tích, còn lại để hoang hóa, đồng thời không có biện pháp quản lý chống lấn chiếm; đề xuất Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra 9 dự án, còn lại tám dự án vẫn chưa được thanh tra, kiểm tra.
Khảo sát tại địa bàn quận Hai Bà Trưng và Cầu Giấy cũng cho thấy, nhiều tổ chức được giao đất nhưng không triển khai dự án hoặc sử dụng sai mục đích. Quận Hai Bà Trưng có 382 tổ chức đang được giao sử dụng 476 thửa đất, trong đó có 46 tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai. Quận Cầu Giấy có 24 dự án vi phạm, chậm triển khai từ 12 đến 24 tháng kể từ khi bàn giao mặt bằng, trao quyết định đầu tư, gây bức xúc trong dư luận.
Đánh giá về tình trạng các tổ chức được giao đất, thuê đất không triển khai hoặc chậm triển khai dự án, các địa phương đều cho rằng có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Ngoài việc các văn bản hướng dẫn, ban hành chậm, nhiều thay đổi, nội dung khó triển khai trong thực tiễn (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư…), còn có nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, nguồn vốn đầu tư giảm, dẫn đến nhiều dự án chậm triển khai hoặc kéo dài thời gian thực hiện. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu khiến dự án chậm triển khai là do năng lực tài chính yếu kém của chủ đầu tư.
Hiện nay, hệ thống pháp luật khung đang khuyến khích đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng cơ chế nhiều nơi là giao đất cho nhà đầu tư đã được chỉ định. Vì vậy, có nhiều nhà đầu tư dù không đủ năng lực tài chính thực hiện dự án nhưng vẫn tìm mọi cách để được chấp thuận đầu tư nhằm chuyển nhượng kiếm lời trên danh nghĩa liên doanh, liên kết. Đến khi thị trường bất động sản đóng băng, các chủ đầu tư này “lực bất tòng tâm” dẫn đến các dự án bị dở dang, rồi bỏ hoang.
Tình trạng nhiều dự án treo đã gây khó khăn cho chính quyền cơ sở trong việc vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án mới. Trên thực tế, việc giải phóng mặt bằng không phải đơn giản, có dự án lực lượng chức năng phải tổ chức cưỡng chế, nhưng sau khi mặt bằng được bàn giao thì chủ đầu tư lại bỏ không, còn người dân thì thiếu đất sản xuất.
Việc chậm thực hiện dự án đã tác động không nhỏ đến tình hình an ninh - trật tự trên địa bàn thành phố. Nhiều dự án để hoang hóa trở thành địa điểm hoạt động của các ổ nhóm tệ nạn xã hội, nơi đổ phế thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường… ảnh hưởng mỹ quan đô thị và cuộc sống của người dân.
Hợp tác cùng Thời Nay
>>> Xem thêm:
- Về việc khai thác đất, đá nhiễm độc từ sân bay Biên Hòa và Dự án san lấp sông Đồng Nai
- Hà Nội: Xe container “hạ gục” khung sắt thuộc dự án đường sắt trên cao
- Thanh sắt ở dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông rơi trúng ôtô