Trăm cuộc gọi đến số máy của CEO 9x Đinh Công Đạt đều nhận lại tín hiệu thuê bao ngoài vùng phủ sóng, liên lạc đến số máy của nhân viên công ty thì chỉ được biết đã nghỉ việc.
Công ty S.Tix Coffee hứa hẹn sẽ trả góp trong vòng 3 năm, nhưng hiện công ty “chết lâm sàng”, vậy ai sẽ là người trả món nợ cho chị cũng như hàng trăm nhà đầu tư khác?
Một chiếc xe đẩy “cõng” lợi nhuận hấp dẫn cho hàng chục nhà đầu tư?
Chị Hồng Tây kể lại: Giữa tháng 4/2021, chị đã được 1 nhân viên môi giới của S.Tix Cofffee chào mời về việc hợp tác kinh doanh cùng công ty này để mở 05 điểm kinh doanh cà phê với hình thức xe cà phê lưu động.
Chị Hồng Tây sau đó ký một hợp đồng hợp tác với giá trị vốn góp là 171.000.000 đồng, tương ứng với 05 điểm bán. Giá trị hợp đồng này có thời hạn trong 12 tháng kể từ ngày đóng hoàn tất số tiền đầu tư. Theo như hợp đồng đã ký, mọi hoạt động kinh doanh của 5 xe Take Away đều do bên S.Tix Coffee vận hành và quản lý, từ việc đặt điểm bán và thuê nhân viên và vận hành mỗi tháng. Lợi nhuận thu được phải chiết khấu 15% cho S.Tix Coffee.
Chị Hồng Tây trình bày sự việc với phóng viên. Ảnh: Chánh Trực |
Để tăng sức hấp dẫn, S.Tix Coffee cam kết số tiền chi trả lại cho chị Hồng Tây mỗi tháng tối thiểu là 20.000.000 đồng, số tiền này bao gồm tiền lãi cộng vốn đầu tư. Như vậy, chị Hồng Tây nhẩm tính, số tiền nhận lại tối thiểu trong 1 năm là 240.000.000 đồngtrong vòng 13 tháng (12 tháng, cộng thêm 1 tháng nghỉ Tết Nguyên Đán). Đúng như cam kết, 3 tháng liên tục, chị Hồng Tây nhận được đầy đủ tiền gốc và lãi, không mảy may nghi ngờ.
Tuy nhiên, đến 12/07/2021, S.Tix Coffee gởi email về phương án phân chia lợi nhuận tháng 7, nhưng đầu tháng 8, chị Hồng Tây vẫn không nhận được khoản chi trả nào.
Chị Hồng Tây cho hay: “Ngày 12/08/2021, công ty gởi thông báo tạm ngưng chi trả hợp đồng Take Away với lý do ảnh hưởng nặng nề của dịch. Đến ngày 01/11/2021, buôn bán hàng rong được hoạt động trở lại nhưng S.Tix Coffee lấy lý do nguồn nhân sự chưa sẵn sàng và ảnh hưởng nặng nề sau dịch Covid-19 và cũng không thông báo để gặp trực tiếp tôi thương lượng giải quyết vấn đề mà chỉ đơn phương gửi công văn thông báo kế hoạch hoàn vốn cho tôi vào ngày 08/11/2021”.
Trường hợp của anh Trần Phúc Lộc, một nhà đầu tư tại tỉnh Bình Dương cũng như chị Hồng Tây, số vốn đầu tư hàng trăm triệu không biết ngày nhận lại. Từng kinh doanh hàng quán như trước đây nên khi đầu tư vào S.Tix Coffee, anh Phúc Lộc cho biết đã tìm hiểu kỹ về thương hiệu này, đến ngồi trực tiếp tại các quán cà phê nào của S.Tix Coffee thì cũng đông khách, có khi không còn chỗ ngồi, đồ uống pha chế khá ổn so với nhiều điểm bán lân cận.
Thêm vào đó, vì bạn bè cũng đang đầu tư vào S.Tix Coffee nên anh rất tin tưởng và xuống tiền sau đó. Nhưng sự việc công ty này bất ngờ trả mặt bằng tại tất cả điểm bán ở TP.HCM khiến anh và nhiều nhà đầu tư trở nên hoang mang, tiền đã đầu tư nhưng sắp tới xác định sẽ rất khó để thu hồi lại.
Anh Phúc Lộc thông tin, từ tháng 07/2021, phía S.Tix Coffee ra công văn đơn phương áp đặt cho các nhà đầu tư về việc không thể tiếp tục chi trả lợi nhuận, mặc dù trước đó, nhân viên môi giới S.Tix Coffee cam kết và hứa hẹn là kinh doanh cà phê mang đi hoàn toàn không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Anh Phúc Lộc bức xúc nói: “Chỉ với công văn gửi vào tháng 11/2021 về việc ngừng kinh doanh, công ty này đang ôm tiền nhà đầu tư, hứa trả dần lại trong vòng 3 năm mà không rõ ràng minh bạch, không kinh doanh thì không biết lấy tiền ở đâu mà trả? Hay chỉ là chiêu trò kéo dài thời gian”.
Hiện tại hàng trăm nhà đầu tư không thể liên lạc được với CEO trẻ của S.Tix Coffee là ông Đinh Công Đạt và các nhân viên kinh doanh của công ty này. Nhiều nhà đầu tư gửi đơn trình báo này đến Cơ quan Công an Kinh tế TP.HCM, Tòa án Nhân Dân Q.10 TP.HCM, để nhờ pháp luật can thiệp.
Nghi vấn bùa phép doanh thu, chia tiền cho nhà đầu từ tiền của chính họ, rồi bỏ trốn?
Nhiều nhà đầu tư cho biết,họ không đầu tư vào S.Tix Coffee mà chỉ hợp tác với công ty này để cùng mở điểm kinh doanh và vận hành kinh doanh những xe cà phê lưu động. Dựa trên bảng báo cáo doanh thu hàng tháng có thể thấy tình hình kinh doanh của những xe cà phê lưu động này có lợi nhuận rất tốt, đủ bù trừ cả phần vốn và đủ chia lợi nhuận cho cả nhà đầu tư và S.Tix Coffee.
Tuy nhiên, đa số nghi ngờ rằng đây là những số liệu giả tạo được công ty này tự biên tự diễn. Dấu hiệu “bùa phép” dễ thấy nhất là trên cùng 1 điểm bán, công ty này đã báo cáo số liệu doanh thu khác nhau cho các nhà đầu tư. Chia sẻ thêm về việc nghi ngờ S.Tix Coffee làm giả số liệu doanh thu bán hàng hàng tháng là có căn cứ, Chị Hồng Tây chia sẻ thêm: “Dựa trên bảng số liệu báo cáo vào tháng 04/2021, có thể thấy vào ngày 20/04/2021, mặc dù tôi chuyển khoản thanh toán cho công ty vào lúc 18 giờ nhưng trên bảng báo cáo thống kê doanh thu thì tôi đã được chia lãi từ 5 xe từ sáng sớm của ngày hôm đó. Điều này khá vô lý vì tôi chưa chuyển tiền hợp tác mà công ty đã chuẩn bị sẵn các xe mở bán cho tôi rồi. Chính vì vậy tôi cho rằng S.Tix Coffee đang làm giả những số liệu báo cáo về doanh thu hàng tháng gởi cho khách hàng”
Trong quá trình gửi đơn kiện, anh Phúc Lộc và chị Hồng Tây cũng phát hiện thêm rất nhiều trường hợp hợp tác kinh doanh với S.Tix Coffee theo mô hình Take Away cũng đã được chia địa điểm trùng với những điểm mà anh, chị này đã bỏ vốn ra đầu tư ban đầu khi ký hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Nhiều nhà đầu tư cũng đã đến trực tiếp địa chỉ Công ty TNHH S.Tix Coffee tại tầng 17, số 72 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP.HCM, nhưng không có bất kì nhân viên nào của S.Tix Coffee đang làm việc ở đây, địa chỉ được thuê cũng chỉ là văn phòng ảo.
Theo tìm hiểu của phóng viên Ngày Nay, S.Tix Coffee khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vào tháng 12/2019, sau đó, tiếp tục mở 6 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM và hàng chục điểm bán Take Away, chỉ trong thời gian ngắn. Từ đầu năm 2021, công ty này liên tục kêu gọi góp vốn cho hình thức xe đẩy Take Away trên nhiều diễn đàn, cộng đồng mạng với cam kết trả vốn lẫn lãi hàng tháng. Số tiền lãi ước tính khoảng 26%/năm.
Với hợp đồng mở quán cà phê, vốn đầu tư sẽ được hoàn trả sau một năm, còn lợi nhuận của quán được chuyển về hàng tháng dựa theo phần trăm vốn góp (với mức đầu tư thông thường là 60 triệu đồng cho 1% cổ phần).
Thương hiệu S.Tix Coffee do ông Đinh Công Đạt, sinh năm 1994, làm đại diện pháp luật. Doanh nghiệp cà phê này được thành lập vào tháng 9/2018, có vốn điều lệ ở mức 50 triệu đồng. Đến tháng 2/2020, công ty này tăng vốn lên 2 tỷ đồng. Trên Cổng thông tin Quốc gia về Đăng ký Doanh nghiệp, S.Tix Coffee vẫn ở tình trạng đang hoạt động.
CEO S.Tix Coffee Đinh Công Đạt hiện đang lẩn trốn sau khi các nhà đầu tư đóng vào hàng trăm tỷ đồng. |
Hiện toàn bộ 6 quán cà phê và trụ sở văn phòng của S.Tix Coffee ở TPHCM đã trả mặt bằng và thanh lý tài sản. Doanh nhân 9x Đinh Công Đạt, theo nhiều nhà đầu tư cho biết vẫn còn sinh sống tại TP.HCM nhưng liên tục đổi địa chỉ khiến cho việc tìm kiếm, liên hệ vị CEO trẻ này gặp rất nhiều khó khăn.
Đến tháng 12/2021, theo thống kê chưa đầy đủ đã có hàng trăm nhà đầu tư góp vốn kinh doanh vào S.Tix Coffee với tổng số tiền lên đến gần 200 tỷ đồng. Ngày 6/12, nhóm nhà đầu tư đã gửi đơn tố cáo tập thể lên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an TP.HCM).
Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.