IBHs – "những lỗ đen bị cô lập" luôn là bí ẩn lớn đối với giới thiên văn. Chúng ta biết rằng có chúng, nhưng chúng không thể nắm bắt được. Nếu dạng lỗ đen thông thường phát ra năng lượng mạnh mẽ đến mức con người có thể nhìn và thậm chí chụp ảnh với khoảng cách lên đến hàng chục triệu năm ánh sáng, thì các "lỗ đen bị cô lập" ẩn nấp trong bóng tối, dường như hoàn toàn vô hình.
Một lỗ đen vũ trụ - Ảnh minh họa từ iStock |
Hai nhà thiên văn học Nhật Bản là Daichi Tsuna (Đại học Tokyo) và Norita Kawanaka (Đại học Kyoto) đã tìm ra một cách thức độc đáo để nắm bắt được những "bóng ma" vũ trụ này. Nghiên cứu mới của họ ước tính có tới hàng triệu lỗ đen bị cô lập đang ẩn nấp trong thiên hà Milky Way – nơi hệ mặt trời của chúng ta đang cư trú.
Các lỗ đen giấu mình trong bóng tối, không ngừng nhấm nháp vật chất trong môi trường liên sao. Và chính trong quá trình ăn uống, chúng để lộ mình. Các lỗ đen này "ăn" không thực sự hiệu quả và liên tục bắn ra nhiều vật chất trở ngược vào môi trường liên sao với tốc độ cực cao. Khi dòng chảy vật chất mà các lỗ đen này nhả ra tương tác với môi trường xung quanh, chúng sẽ tạo ra sóng vô tuyến đủ để kính viễn vọng của người trái đất phát hiện.
Vấn đề duy nhất chúng ta cần làm là phát triển công cụ lọc đủ hiệu quả để tách ra được sóng vô tuyến từ IBHs giữa mớ tín hiệu vũ trụ hỗn độn mà con người thường xuyên nắm bắt được.
Hai nhà khoa học cũng gọi phương án tìm kiếm lỗ đen dạng IBHs thông qua phát xạ tia X như các lỗ đen thông thường là "một cách ngây thơ", bởi lẽ các lỗ đen vô hình và bí ẩn này thường không phát ra tia X đủ mạnh mẽ như các "quái vật không gian" – các lỗ đen siêu khối to lớn mà chúng ta hay tìm thấy.
Nghiên cứu vừa công bố trực tuyến trên arxiv.org.