Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi nhà thiên văn James McCormac (Đại học Warwick, Anh) vừa công bố bức chân dung kỳ lạ của hành tinh NGTS-10b, một "thế giới địa ngục" cách trái đất khoảng 980-1.140 năm ánh sáng.
Hành tinh này quay quanh một ngôi sao lùn màu cam có khối lượng và đường kính khoảng 70% mặt trời của chúng ta. Nó là một gã khổng lồ khí cùng loại với Sao Mộc nhưng nặng hơn tới 2,1 lần và đường kính gấp 1,2 lần. Nếu so với khối lượng trái đất, hành tinh này nặng hơn gần 670 lần.
NGTS-10b thực sự là một thế giới địa ngục bởi nó đang quay quá gần ngôi sao mẹ: chỉ 1,4% đơn vị thiên văn (AU). Một AU là khoảng 150 triệu km, chính là khoảng cách trung bình giữa trái đất và mặt trời. Để so sánh, Sao Thủy, hành tinh gần mặt trời nhất, cũng giữ khoảng cách an toàn là 38,7% đơn vị thiên văn.
Khoảng cách cực gần này, cộng với tốc độ quay cực nhanh của NGTS-10b khiến mỗi năm trên hành tinh này chỉ dài bằng… 18 giờ trên trái đất. Khoảng cách này cũng đem đến cho thiên thể một nhiệt độ "địa ngục" và mối nguy lớn là sự phân rã quỹ đạo trong tương lai.
Các phép đo cho thấy một năm trên hành tinh này sẽ ngắn dần, cụ thể là bớt đi 7 giây trong thập kỷ tới. Trong vòng 38 triệu năm tới, hành tinh này có thể tiến quá gần và bị ngôi sao mẹ nuốt chửng.
Hành tinh này được phát hiện nhờ Next Generation Transit Survey (NGTS), một hệ thống robot săn hành tinh ngoài Hệ Mặt trời với 12 kính viễn vọng hiện đại đặt tại Chile, là công trình được xây dựng bởi các quốc gia Chile, Đức, Thụy Sĩ và Anh.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.