Việc bé N.T.V.A ở phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh nghi bị chính người sống trong gia đình là bạn tình của bố đẻ hành hạ, đánh đập đến tử vong làm tôi liên tưởng đến một vụ án khác.
Vào năm ngoái, ngay giữa Thủ đô, cái chết của cháu bé N.N.M.M 3 tuổi ngày 30/3/2020 là một tin sốc và đau đớn vô cùng với tất cả những ai có lương tâm và lòng yêu thương con trẻ. Cháu đã ra đi oan nghiệt sau những ngày bị chồng hờ của mẹ (Nguyễn Minh Tuấn, 31 tuổi) và chính mẹ mình (Ng Thị Lan Anh, 29 tuổi) hành hạ vô cùng đau đớn, kết thúc bằng một cuộc đánh đòn từ 20h ngày hôm trước đến 2h sáng hôm sau.
Ở giữa Thủ đô, ở giữa Sài Gòn, ở mọi tỉnh thành trong cả nước, có quá nhiều việc phải làm để phòng ngừa những vụ bạo hành, cướp đi tính mạng những đứa trẻ một cách dã man và ngu xuẩn như hai vụ kể trên. Nhưng, ở bài viết này, tôi muốn nói về số máy 111 của Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em Việt Nam.
Trong vụ bé M.M năm ngoái ở Hà Nội và vụ bé V.A ở TP HCM vừa qua, và rất nhiều vụ bạo hành trẻ em khác trên cả nước, khi hàng xóm, thầy cô, bạn bè, ông bà, họ hàng nghi vấn, thậm chí có những trường hợp là tai nghe mắt thấy, trực tiếp chứng kiến, nhưng ko ai trong số các nhân chứng kể trên biết cách, biết nơi để thông tin, tố cáo. Chỉ một tin nhắn, một cuộc gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em 111, đến công an phường, xã là đã có thể cứu sống, có thể ngăn chặn nỗi đau thể xác và tinh thần của một đứa trẻ. Nhưng, đã không có điều đó!
Hôm qua, 29/12, trao đổi với báo chí, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, ông thấy xót xa khi vụ việc lại xảy ra ở một khu chung cư thuộc hạng cao cấp tại TP.HCM, với đầy đủ các thiết chế, tổ chức bảo vệ trẻ em ở mức cao nhất cả nước nhưng đã không được tố giác để ngăn chặn kịp thời.
"Khi xảy ra việc cháu bé bị đánh tử vong, cộng đồng dân cư thắp nến cầu nguyện. Tại sao cộng đồng sống ngay cạnh căn hộ này nghe thấy tiếng đánh đập cháu bé suốt như vậy không lên tiếng tố cáo. Đáng lẽ vụ việc cần sớm thông báo cho các cơ quan chức năng hoặc có thể gọi đến dịch vụ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111) để tố cáo thì có thể sẽ không dẫn đến hậu quả đau lòng”, ông Nam bày tỏ.
Nguy cơ trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại bởi chính người thân, người trong gia đình vẫn có nguy cơ tăng lên trong xã hội hiện đại. Bởi vậy, bất kỳ ai, nếu biết, dù chỉ là nghi ngờ hành vi trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại, xin đừng ngần ngại GỌI NGAY 111 để báo tin.
Chỉ cần bạn dành vài phút cho hành động này, chỉ cần MỘT CUỘC GỌI, bạn đã có thể góp phần cứu sống một MẠNG NGƯỜI, như bé M.M. và bé V.A. Tổng đài 111 có quyền theo luật định để kết nối khẩn cấp và yêu cầu sự vào cuộc của các lực lượng, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền và trách nhiệm bảo vệ trẻ em vào bất kỳ lúc nào; đồng thời đảm bảo bí mật tuyệt đối cho người cung cấp tin.
Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em đã chính thức công bố hoạt động được 4 năm, từ tháng 9/2017, và thường trực tất cả các giờ trong ngày và tất cả các ngày trong năm. Tuy nhiên, ko chỉ ở vùng sâu, vùng xa, mà ngay cả ở các vùng thành thị, đô thị lớn, người dân hầu hết chỉ nhớ các số máy khẩn cấp như: 112 (trợ giúp tìm kiếm cứu nạn), 113 (gọi cảnh sát liên quan tới an ninh trật tự xã hội), 114 (gọi phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn), 115 (gọi cấp cứu y tế) mà không nhiều người biết số 111.
Lẽ nào những người lớn chúng ta lại không coi số máy cứu mạng trẻ em quan trọng bằng các số máy gọi cứu hộ, cứu nạn trên?
Lẽ nào cái số máy để gọi cứu giúp sinh mạng cho những đứa trẻ, những mầm non quý giá của tương lai đất nước, lại không cần thiết hơn những số máy khẩn cấp vừa kể trên?
Lẽ nào số máy 111 đó không đáng để cho các cơ quan hữu trách dành cho đủ kinh phí để phổ biến, tuyên truyền sâu rộng cho toàn xã hội?
Thực tế cho thấy, một số vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng chưa được kịp thời ngăn chặn, can thiệp do người dân và trẻ em không biết số điện thoại 111 để thông báo, tố giác. Điều này cho thấy bên cạnh việc tăng cường các hệ thống, mạng lưới bảo vệ trẻ em của nhiều cơ quan, bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, cần tăng cường truyền thông, quảng bá về Tổng đài 111 nhiều hơn nữa...
Một chi nhánh điện lực cấp quận huyện cũng có thể gửi tới từng hộ gđ tờ rơi thông báo số máy để ng dân gọi tới khi có sự cố về điện. Một hãng bán gas thôi cũng có thể dán thêm tờ rơi vào mỗi bình ga để ng tiêu dùng có thể gọi khi hết ga, hỏng bếp. Vậy mà, số máy để gọi cứu mạng những đứa trẻ bị bạo hành đau đớn và man rợ thì lại không phổ cập được như vậy, quả là một thiếu sót cần phải khắc phục nhanh chóng và cấp bách!
Tôi dùng chữ THIẾU SÓT là đã rất có ý giảm nhẹ, thưa các vị lãnh đạo ngành Bưu điện, thưa các NGƯỜI LỚN, những người có trách nhiệm ở Tổng đài Quốc gia 111.
Để kết thúc bài viết, một lần nữa, tôi muốn nhắc lại câu nói của nhà bác học Albert Einstein: “Thế giới sẽ bị hủy diệt không phải bởi những người làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn mà không làm gì cả”.