Hệ thống dữ liệu dân cư bị tấn công hàng nghìn lần mỗi ngày

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Tình trạng lộ lọt, rao bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội , sáng 10/8.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đảm bảo an toàn hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư

Tại phiên chất vấn, đại biểu Siu Hương (tỉnh Gia Lai) cho rằng việc bảo vệ thông tin cá nhân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định nhưng hiện nay, tình trạng vi phạm rất phổ biến; đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ các giải pháp xử lý triệt để tình trạng này.

Cùng chất vấn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) cho rằng hiện nay, các thông tin cá nhân đang được rao bán trên nền tảng mạng xã hội và không khó để truy cập vào các nhóm này. Thời gian qua, Công an các địa phương triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội tuy nhiên vẫn còn nhiều đối tượng đang hoạt động chưa bị phát hiện, xử lý.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết những giải pháp trong thời gian tới để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả vấn đề này để người dân an tâm, thông tin cá nhân của mình không bị "trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội."

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thực trạng của lộ lọt dữ liệu cá nhân trên quốc tế cũng như Việt Nam là đáng báo động, trong khi hành lang pháp lý về vấn đề này chưa hoàn thiện, ý thức cá nhân người dân về bảo vệ thông tin cá nhân chưa cao. Để hạn chế tình trạng này, Bộ Công an đã triển khai một số giải pháp, trước hết là xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

"Hàng ngày, chúng tôi phải đối phó hàng nghìn cuộc tấn công vào hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu không đảm bảo an toàn, nguy cơ rất lớn. Nhiều cuộc tấn công đến từ nước ngoài," Bộ trưởng Tô Lâm cho biết và nêu, việc thực hiện kết nối dữ liệu dân cư với dữ liệu các bộ, ngành, địa phương chỉ triển khai khi đã đảm bảo an toàn.

Làm sạch không gian sống mới - không gian mạng

Làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các thông tin sai sự thật trên không gian mạng hiện nay chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới. Về hoàn thiện thể chế, một số nghị định về quản lý các nền tảng xuyên biên giới đã được sửa đổi và dự kiến ban hành trong quý 3/2022. Làm việc với các nền tảng xuyên biên giới thực thi pháp luật tại Việt Nam, Meta (Facebook), Youtube đã nâng tỷ lệ đáp ứng của các cơ quan nhà nước, từ dưới 20% năm 2018 lên 90-95%.

Về bóc gỡ các thông tin sai sự thật, Bộ trưởng cho biết trước năm 2018 chỉ bóc gỡ được khoảng 5.000 tin video, từ đó đến nay, số lượng các thông tin xấu độc, sai sự thật được tháo gỡ đã tăng lên 20 lần, gần 100.000 tin video. Giám sát không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm An toàn không gian mạng Quốc gia để phát hiện sớm thông tin xấu độc, sai sự thật với khả năng xử lý tăng từ 100 triệu tin/ngày lên 300 triệu tin/ngày. Từ năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam để tiếp nhận các phản ánh của người dân, các tổ chức về tin giả để xử lý.

"Bóc gỡ các thông tin sai sự thật, "dọn rác" trên không gian mạng là việc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và mọi người dân. Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc các bộ, ngành, địa phương lên không gian mạng phát hiện, tiếp nhận, xử lý "rác" thuộc lĩnh vực mình quản lý. Việc "dọn rác" không thể chỉ là của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, mà là của tất cả các bộ, ngành, địa phương và người dân để làm sạch không gian sống mới của chúng ta - không gian mạng. Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ cung cấp công cụ và cơ chế tháo gỡ các tin giả, sai sự thật."

Về thanh kiểm tra và xử lý hành chính các vi phạm đưa tin giả trên không gian mạng, đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý hàng trăm vi phạm, một số trường hợp có dấu hiệu hình sự đã chuyển sang Bộ Công an.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.