Hệ thống y tế Dải Gaza: Mỗi bác sĩ mất đi, hàng thập kỷ thụt lùi

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chiến tranh đang khiến hệ thống y tế của Dải Gaza rơi vào khủng hoảng. Với mỗi bác sĩ Palestine mất mạng, y tế Gaza sẽ mất đi một mạng lưới kiến ​​thức mà sẽ phải mất nhiều năm để tái thiết.
Những đứa trẻ được cứu chữa tại Bệnh viện Al Shifa, Gaza. Ảnh: AP
Những đứa trẻ được cứu chữa tại Bệnh viện Al Shifa, Gaza. Ảnh: AP

Khám bệnh qua WhatsApp

Bác sĩ Sireen Al-Attar thường cập nhật ứng dụng WhatsApp cả ngày lẫn đêm để liên lạc với đồng nghiệp và sản phụ. Công việc của cô là một phần của chiến dịch xây dựng hệ thống y tế của Gaza, vốn đã bắt đầu từ lâu trước cuộc chiến Israel-Hamas.

Ngày 11/10 năm 2023, bác sĩ Al-Attar đang ngủ trên giường cùng với hai trong số ba cô con gái của mình. Phiến quân Hamas đã tấn công Israel 4 ngày trước đó. Biết trước đợt tấn công của Israel, Al-Attar và ba đứa con của cô đã rời Thành phố Gaza để đến ở với cha mẹ ở Bureij, một trại tị nạn, với hy vọng sẽ được đảm bảo an toàn.

Reema, cô con gái 14 tuổi của bác sĩ Al-Attar, thường nói với mẹ trước khi đi ngủ: “Con yêu mẹ, mẹ à”. Thức giấc bất chợt sau một vụ oanh tạc, Reema tỉnh dậy dưới gầm tủ, ngạt thở vì bụi. “Em bắt đầu hét lên: Cứu, cứu. Mẹ, có ai không?"

Không có câu trả lời nào vang lên. Theo Bộ Y tế Gaza, bác sĩ Al-Attar đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel. Con gái 6 tuổi của cô cũng bị thương nặng.

Bác sĩ Al-Attar, 39 tuổi, là một trong ít nhất 490 nhân viên y tế ở Gaza thiệt mạng kể từ khi Israel tấn công vào Dải Gaza.

Al-Attar là một bác sĩ chuyên khoa, cũng là một trong những người tiên phong cải thiện sức khỏe cộng đồng cho dân số đang tăng nhanh của Gaza trước chiến tranh. Sự ra đi của các bác sĩ đang khiến nền y tế của lãnh thổ này bị tổn hại nghiêm trọng.

Hệ thống y tế Dải Gaza: Mỗi bác sĩ mất đi, hàng thập kỷ thụt lùi ảnh 1

Nữ bác sĩ Sireen Al-Attar thiệt mạng trong một trận không kích. Ảnh: Reuters

Dữ liệu của Bộ Y tế cho thấy từ năm 2006 đến năm 2022, dân số Gaza đã tăng 49% lên 2,2 triệu người. Vào thời điểm đó, số bác sĩ đa khoa đã tăng hơn gấp đôi lên 1.913, số lượng bác sĩ chuyên khoa cũng tăng lên 1.565.

Điều đó đã được hỗ trợ bởi dòng viện trợ nước ngoài, bao gồm cả từ các bác sĩ ở Israel. Ít nhất 2 tỷ USD đã được Bộ Y tế Gaza và các cơ quan viện trợ của Liên Hợp Quốc phân bổ cho việc chăm sóc sức khỏe ở vùng lãnh thổ này trong 16 năm qua.

Trong cuộc chiến hiện nay, 55 bác sĩ chuyên khoa ở Gaza đã thiệt mạng, 7 trong số 55 bác sĩ đã thiệt mạng trong bệnh viện. Có 23 người thiệt mạng khi họ không làm việc.

Ở một số chuyên khoa có đội ngũ bác sĩ giới hạn, thiệt hại rất nặng nề. Trước chiến tranh, chỉ có ba bác sĩ chuyên khoa thận tại Gaza, một người đã thiệt mạng và người còn lại đã di cư ra nước ngoài.

Các bác sĩ cho biết, với việc mỗi người thiệt mạng, Gaza đã mất đi một mạng lưới kiến ​​thức và kết nối con người, những đòn giáng còn dai dẳng hơn những trận không kích mà hầu hết 35 bệnh viện trong khu vực phải gánh chịu kể từ ngày 7/10 năm ngoái.

“Thế hệ chuyên gia mới”

Sinh năm 1984, nữ bác sĩ Al-Attar bắt đầu học trường y vào năm 2002, khi hệ thống y tế Gaza còn phụ thuộc vào các bệnh viện ở Israel và những nước lân cận khác. Vào thời điểm đó, Gaza còn chưa có nổi 30 giường trong khoa hồi sức đặc biệt.

Kể từ khi phong trào Hamas lên nắm quyền vào năm 2007, hệ thống y tế tại Gaza đã bị chia đôi. Một vẫn trực thuộc Chính quyền Palestine đặt trụ sở ở Bờ Tây, một do Hamas lập nên.

Các dịch vụ y tế của Gaza đã bị cô lập khỏi Chính quyền Palestine, khiến dòng tiền viện trợ bị "đóng băng". Trong khi đó, Israel đã đóng cửa biên giới Gaza với sự giúp đỡ của Ai Cập, hạn chế việc di chuyển của người dân và tiếp cận các nguồn cung cấp y tế, đồng thời bắt đầu đáp trả các cuộc tấn công của Hamas bằng các chiến dịch quân sự.

Tiến sĩ Basem Naim, Bộ trưởng Y tế đầu tiên dưới quyền Hamas, mục tiêu của Hamas là chuyên nghiệp hóa hệ thống y tế. Họ bắt đầu tìm kiếm quy trình đào tạo chuyên môn để tạo ra “thế hệ chuyên gia mới” cho hệ thống y tế hỗ trợ nhà nước Palestine.

Bản thân là một bác sĩ phẫu thuật, ông Naim cho biết: “Chúng tôi đã chiến đấu bằng tất cả lực lượng và khả năng của mình để có được một số bác sĩ trẻ, mới tốt nghiệp ở nước ngoài được đào tạo rất chuyên nghiệp”.

Năm 2008, sinh viên y khoa Al-Attar tốt nghiệp chi nhánh Gaza của Đại học Al-Quds với điểm số cao nhất. Điều đó đã giúp cô giành được học bổng duy nhất về đào tạo chuyên khoa sản phụ khoa ở Amman, Jordan. Cô là một trong khoảng 140 bác sĩ mà ông Naim cho biết Bộ Y tế Gaza đã gửi ra nước ngoài.

Mang thai Reema khi cô chuẩn bị nhận học bổng, Al-Attar đã trực tiếp trải qua cuộc phong tỏa của Israel. Chồng cô, Tiến sĩ Wajdy Jarbou, muốn cô sinh con ở Jordan hoặc trì hoãn việc học trong khi chờ giấy phép đi lại cùng đứa con sơ sinh.

Jarbou cho biết vào tháng 4 năm 2010, vợ mình đã đến bệnh viện ở Jordan chưa đầy 24 giờ trước khi Reema chào đời.

Nữ bác sĩ trẻ rời khỏi Gaza, nơi hệ thống y tế vẫn còn ngổn ngang. Bị Israel và Chính quyền Palestine cô lập, Hamas tìm cách mở rộng mạng lưới y tế bằng cách buôn lậu hàng hóa từ Ai Cập qua các đường hầm, thúc đẩy các tổ chức từ thiện, áp thuế đối với người dân và tìm kiếm viện trợ từ nước ngoài.

Đến năm 2022, Gaza có 3.412 giường bệnh, tăng gần 70% so với năm 2009, năm đầu tiên có dữ liệu của Bộ Y tế. Theo dữ liệu mới nhất của WHO, con số này lên tới gần 15,5 giường trên 10.000 người - nhiều hơn ở Ai Cập, Jordan và Syria, nhưng bằng khoảng một nửa tổng số giường của Israel.

Hệ thống y tế Dải Gaza: Mỗi bác sĩ mất đi, hàng thập kỷ thụt lùi ảnh 2
Bác sĩ Suleiman Qaoud khảo sát thiệt hại tại Bệnh viện Chuyên khoa Rantisi, Thành phố Gaza, sau các cuộc tấn công bằng tên lửa của Israel. Ảnh: Al Jazeera

Nhà cung cấp viện trợ chính ở Gaza là Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA). Số tiền mà UNRWA chi cho y tế lên tới ít nhất 75 triệu USD. Theo báo cáo công khai của Bộ Y tế Gaza, tổng chi tiêu của họ là 1,4 tỷ USD từ năm 2015 đến năm 2022.

“Mặc xác các quy định”

Năm 2016, Al-Attar và chồng trở lại Gaza để làm việc cho Bộ Y tế. Cô tham gia một dự án của Bộ Y tế nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở sản phụ, truyền lại những kỹ năng cô học được ở Jordan và đào tạo bác sĩ cách chẩn đoán tắc mạch phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu, những triệu chứng có thể gây tử vong.

Cuộc sống hàng ngày của các bác sĩ Gaza sẽ bao gồm nhiều giờ mất điện, mạng Internet chậm, tình trạng bất ổn chính trị và nhiều cuộc không kích. Hệ thống y tế Gaza vẫn thiếu nguồn vật tư và vẫn cần chuyển một số bệnh nhân đến bệnh viện ở Israel và các nơi khác.

Jarbou từng được đào tạo chuyên môn ở Jordan với tư cách là bác sĩ X quang. Nhưng vào năm 2020, giống như nhiều bác sĩ ở Gaza, Jarbou chuyển ra nước ngoài để có mức lương tốt hơn. Hiện bác sĩ này đang sống tại Oman, nơi Reema và các em đã đến ở với bố sau cái chết của mẹ.

Khi còn sống, bác sĩ Al-Attar luôn là người phản đối các quy định quan liêu của hệ thống. Theo quy định, Al-Attar sẽ được chỉ định khám 25 trường hợp, nhưng con số thực tế lên tới 50 sản phụ mỗi ngày.

“Cô ấy hay nói với bệnh nhân: Mặc xác các quy định và lịch trình, hãy liên hệ với tôi trong bất kỳ trường hợp nào", bác sĩ Sana Najjar, đồng nghiệp của Al-Attar, hồi tưởng.

Ghép da qua Skype

Dân số Gaza ngày càng tăng, làm tăng nhu cầu về bác sĩ sản khoa. Nhưng nó cũng cần các bác sĩ chuyên về chấn thương.

Trong cuộc chiến 2008-2009, các bác sĩ đã phải đối mặt với những vết thương do đạn khói của Israel có chứa phốt pho trắng - một chất bốc cháy ngay lập tức khi tiếp xúc với oxy, dính vào các bề mặt như da và quần áo và đốt sâu vào da thịt.

Các bác sĩ cho biết những bệnh nhân bị bỏng hơn 20% tổng diện tích cơ thể đã chết vì thiếu trang thiết bị chuyên môn và chuyên môn. Vì vậy, các bác sĩ ở Gaza đã tìm mọi cách để chữa bỏng.

Hệ thống y tế Dải Gaza: Mỗi bác sĩ mất đi, hàng thập kỷ thụt lùi ảnh 3
Bệnh nhân bị bỏng do phốt pho trắng tại Bệnh viện Al Shifa, Gaza. Ảnh: Reuters

Bác sĩ Medhat Saidam từng theo học trường y ở Kazakhstan và trở về Gaza vào đầu những năm 2000. Hầu hết các ngày thứ Năm trong năm 2012 và 2013, ông là một trong nhóm gồm 6 bác sĩ phẫu thuật và 4 y tá sẽ tham gia cuộc gọi trên ứng dụng Skype lúc 6 giờ sáng từ một căn phòng ở Bệnh viện Al Shifa tại Thành phố Gaza.

Phía bên kia đường dây là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Ali Ghanem từ London sẽ hướng dẫn các đồng nghiệp thực hành mô phỏng ghép da.

Bác sĩ Saidam tập trung vào các vết bỏng, tái tạo chân tay và sứt môi và vòm miệng. Tiến sĩ Hasan Eljaish, người đã làm việc với Saidam trong 15 năm ở đó, nhớ lại: “Anh ấy tiếp tục cố vấn cho các đồng nghiệp tại Al Shifa về xử lý vết bỏng, giống như người anh lớn hoặc cha của chúng tôi”.

Gaza chỉ có 5 bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có cùng kinh nghiệm và trình độ đào tạo.

Vào ngày 13 tháng 10, bác sĩ Saidam đến Bệnh viện Al Shifa theo lịch trực, nhưng lại phải nhờ Eljaish làm hộ để trở về nhà đưa con gái đi sơ tán.

Ngày hôm sau, các nhân viên cứu thương đã đưa thi thể của Saidam ra khỏi đống đổ nát sau một cuộc không kích của Israel vào khoảng 1 giờ sáng.

Bác sĩ Eljaish cho biết anh đã nhìn thấy thi thể của người đồng nghiệp đáng kính được đưa vào nhà xác Shifa.

Vào tháng 4 vừa qua, 1 trong 5 bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ chính củ Gaza, Ahmad al-Maqadma, đã qua đời cùng mẹ trong một cuộc đột kích nhắm vào Bệnh viện Al Shifa.

Nhóm 5 bác sĩ chữa bỏng, giờ chỉ còn 3.

Theo Reuters
Máy bay mới của Bamboo Airways tại sân bay Nội Bài
Hé lộ những hình ảnh đầu tiên của tàu bay mới của Bamboo Airways
(Ngày Nay) - Tối ngày 25/4/2024, chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu RP-C9799 đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), chính thức gia nhập đội bay Bamboo Airways. Đây là máy bay thuê ướt thứ 3 mà Bamboo Airways đã nhận từ đầu năm 2024 đến nay trong nỗ lực tăng nguồn cung cho thị trường hàng không nội địa.
Lần đầu Interpol có Tổng thư ký đến từ quốc gia đang phát triển
Lần đầu Interpol có Tổng thư ký đến từ quốc gia đang phát triển
(Ngày Nay) - Ngày 25/6, tại thành phố Lyon, Pháp, Ủy ban điều hành của Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) đã bầu ông Valdecy Urquiza – người đứng đầu bộ phận hợp tác quốc tế của Cảnh sát liên bang Brazil – làm Tổng thư ký nhiệm kỳ mới. Đây là lần đầu tiên một quan chức cảnh sát từ một quốc gia đang phát triển được bầu vào vị trí này.
Các nhà khoa học Mexico cảnh báo nguy cơ đại tuyệt chủng cận kề
Các nhà khoa học Mexico cảnh báo nguy cơ đại tuyệt chủng cận kề
(Ngày Nay) - Một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Mexico chứng minh rằng Trái Đất đã chính thức bước vào giai đoạn đầu của cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6, đồng thời cảnh báo nếu nhân loại không khẩn trương ngăn chặn tình trạng khủng hoảng đa dạng sinh học do ô nhiễm môi trường và biến đối khí hậu, sự tồn tại của loài người có thể sẽ chấm dứt trong vòng 200 năm tới.
Dấu ấn hoa dương đào trên đèn kính màu Tiffany. Ảnh: The Lamps of Louis Comfort Tiffany
Dấu ấn hoa dương đào trên đèn kính màu Tiffany
(Ngày Nay) - Louis Comfort Tiffany không chỉ say mê sáng tạo nghệ thuật mà còn có niềm yêu thích đặc biệt với cây dương đào. Loài hoa xinh đẹp này vừa tô điểm cho khu vườn nhà ông vừa trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm của Tiffany Studios.
Hơn 1 triệu thí sinh làm thủ tục tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024
Hơn 1 triệu thí sinh làm thủ tục tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024
(Ngày Nay) -  Chiều 26/6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước có mặt tại điểm thi để làm thủ tục dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2024, nghe phổ biến quy chế thi, kiểm tra thông tin và đính chính sai sót (nếu có). Từ 8 giờ sáng 26/6, cán bộ làm công tác coi thi đã đến điểm thi để được quán triệt về Quy chế và triển khai các vấn đề liên quan đến nghiệp vụ coi thi.