Thời gian qua, mạng xã hội lan truyền một đoạn video clip trong đó quay lại cảnh các bác sĩ của một BV đang thực hiện ca phẫu thuật ngực cho một bệnh nhân nữ. Theo nội dung trong đoạn video clip ấy thì trong ca phẫu thuật, các bác sĩ đã mổ và lấy được nguyên một thau chất lỏng màu vàng tựa nhựa cao su, không nguồn gốc từ bên trong ngực của một người phụ nữ.
Bác sĩ Lê Văn Lễ (BVĐK Vạn Hạnh, quận 10, TP HCM) chia sẻ, khoảng một năm trước, một bệnh nhân nữ tìm đến BV, khi vào phòng khám thì ngại ngần cho ông biết muốn lấy silicon ra khỏi ngực vì cảm thấy nặng nề, thỉnh thoảng lại đau nhức rất khó chịu.
Trời phú cho gương mặt khả ái nhưng vòng 1 lại không được phổng phao như các cô bạn cùng lứa. Để cạnh tranh, bệnh nhân này đã quyết định đi bơm ngực. Chỉ có ít tiền trong túi, chị chọn một thẩm mỹ chui để tiến hành nâng ngực. Sau khi xem qua hình dạng của bộ ngực, các nhân viên ở đây tư vấn cho chị phương pháp bơm mỡ nhân tạo vào ngực.
Chất lạ được lấy ra từ ngực của người phụ nữ.
Theo lý giải của họ, mỡ nhân tạo này không gây tác dụng phụ, làm ngực đẹp một cách tự nhiên, không gây đau nhức cho phụ nữ như cách nâng ngực bằng silicon. Mù mờ về kiến thức y khoa, lại không tìm hiểu thông tin kỹ càng về thẩm mỹ, người phụ nữ quyết định nhắm mắt làm liều. Sau khi đóng tiền đầy đủ, ca phẫu thuật bắt đầu, chị được gây mê nên trong lúc phẫu thuật, họ bơm chất gì vào người, chị không hề hay biết.
Bác sĩ Lễ cho biết, sau khi hội chẩn, toàn bộ ê kíp mổ do ông đứng đầu quyết định thống nhất phương án phẫu thuật để trả lại bộ ngực như cũ cho bệnh nhân. Nhớ lại ca phẫu thuật, vị bác sĩ kể: “Sau khi mở ngực bệnh nhân ra, bỗng từ bên trong lồng ngực, một nguồn chất lỏng màu vàng, đặc sệt như nhựa cao su chảy ồ ạt ra ngoài. Thấy thế, tôi vội vàng dùng chậu y tế để hứng dung dịch lạ này, chất nhầy từ từ được lấy hết ra ngoài và đầy nguyên một chậu”.
Ban đầu, bác sĩ Lễ cứ nghĩ chất lạ kia là silicon Trung Quốc. Nhưng thực chất, khi lấy ra, xem xét kỹ, các bác sĩ nhận định chất lạ trên không phải silicon.
Chất làm đầy có dạng lỏng, thường là collagen, axit hyaluronic hoặc chính mỡ tự thân. Tất cả các dạng chất làm đầy đều dùng để tiêm dưới da với mục đích làm phẳng da hay tăng thể tích của một bộ phận nào đó. Các chất này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, thường khoảng 6 tháng đến 3 năm. Riêng mỡ tự thân có thể tồn tại lâu hơn, muốn duy trì kết quả cần phải tiếp tục điều trị, giá mỗi lần thực hiện khoảng 500-1.000 USD (từ 10-20 triệu đồng). Đặc biệt cách làm đẹp này không để lại dấu vết trên thân hình, gương mặt phái đẹp.
Chất làm đầy này được ví như tiên dược. Nó được đưa vào cơ thể bằng những mũi kim siêu nhỏ để xóa nhăn, nâng mũi, tạo hình cằm, nâng ngực, độn mông. Và nó được quảng cáo một cách rất hào nhoáng như không phẫu thuật, không gây đau đớn, không biến chứng, nên dễ được nhiều người mù quáng tin theo.
Thực chất, đã có rất nhiều trường hợp bị biến chứng và phải nhận lấy hậu quả khôn lường từ chất làm được ví như “tiên dược” này, có thể sẽ bị liệt cơ mặt, tăng nếp nhăn nếu ngừng sử dụng, đẩy nhanh quá trình lão hóa da, gây biến chứng khi tiêm một lượng lớn để nâng ngực, độn mông, ngoài ra thuốc cũng gây sốc, cũng có thể gây tử vong.
Đánh vào tâm lý ham làm đẹp nên thời gian gần đây, nhiều thẩm mỹ viện chui mọc lên, không ít các trung tâm thẩm mỹ viện vì đồng tiền mà sẵn sàng lừa gạt bệnh nhân bằng cách tiêm silicon thay cho chất làm đầy. Nhiều người vì không biết lại tin tưởng vào các bác sỹ rởm này nên đã làm theo.
Bác sỹ Trần Văn Dương – Khoa Chấn thương chỉnh hình - BV Chợ Rẫy cũng cho biết ông từng tham gia vào một cuộc phẫu thuật cũng hy hữu không kém cách đây vài năm, ở ca phẫu thuật ấy, các bác sĩ đã phải cắt lọc silicon hai bên ngực và vạt da, tạo hình mảng da ngực bị hoại tử rất lớn của chị H.T.U, 27 tuổi (tên nhân vật đã được thay đổi).
Trước đó, chị U được bác sỹ Dương cùng phó giáo sư, tiến sỹ Lê Hành, tiến sỹ, bác sỹ Đỗ Quang Hùng – phụ trách Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ tiến hành phẫu thuật cắt lọc nhiều mảng silicon đã bám dính, lan rộng ra nhiều vị trí ở ngực, khiến một phần cơ ngực lớn nhanh, nhánh mạch máu ở ngực bị xơ hóa, có chỗ mạch máu bị tăng sinh thành mạng lưới.
Bác sỹ Dương cho biết, trong ca phẫu thuật, các bác sỹ mất 6 giờ để cắt lọc, loại bỏ hơn 90% silicon (nặng hơn 1kg, chưa kể phần ở cổ chưa bóc tách) dính bám ở ngực. Sau khi bóc tách silicon và loại bỏ da bị hoại tử, thành ngực hai bên của nạn nhân bị hở lớn nên các bác sỹ phải tiếp tục lấy da hai bên đùi (diện tích 26x24cm) của bệnh nhân đắp lên ngực, rồi khâu nối mạch máu bằng kỹ thuật vi phẫu. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, vạt da được ghép sống hoàn toàn.
P.V