Việc thay đổi cách tính thuế theo quy định mới được áp dụng trước với khoảng 37.000 hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm, thuộc một số ngành nghề như: ăn uống, bán lẻ, khách sạn, vận tải hành khách, thẩm mỹ, vui chơi giải trí... Đến năm 2026, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh phải tự kê khai doanh thu, sử dụng hoá đơn điện tử và thực hiện đầy đủ các quy định thuế như một doanh nghiệp chuyên nghiệp.
![]() |
Đến năm 2026, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh phải tự kê khai doanh thu, sử dụng hoá đơn điện tử và thực hiện đầy đủ các quy định thuế như một doanh nghiệp. |
Theo Bộ Tài chính, bỏ thuế khoán để thay bằng quy định tính thuế trên doanh thu sẽ tạo ra công bằng, minh bạch và phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những hộ kinh doanh nhỏ lẻ vốn quen với phương thức thanh toán thủ công, chuộng đơn giản, ưa tiện lợi, chưa hiểu luật, yếu công nghệ, không rành kế toán, chưa quen hoá đơn... thì sự thay đổi lần này đang tạo ra rất nhiều hoang mang, lo lắng, thậm chí là rắc rối, phiền phức và bất cập, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay.
“Tôi còn không biết, nói chi ba mẹ tôi”
Gia đình chị N.T.T (30 tuổi, sinh sống ở TP.HCM) có tiệm tạp hoá quy mô vừa, chủ yếu nhập và bán sỉ cho những hộ nhỏ lẻ tại địa phương. Mỗi năm doanh thu của tiệm đạt vài trăm triệu đồng, tổng các loại thuế phải đóng cũng chỉ tầm hơn chục triệu đồng một năm, tương đương trên một triệu đồng mỗi tháng.
Theo quy định mới, kinh doanh tạp hoá thuộc ngành nghề “buôn bán, bán lẻ hàng hoá” phải chịu mức thuế 1,5% trên doanh thu. Chị ví dụ, tiệm nhập về một thùng bia hoặc sữa... với giá 400.000 đồng, bán sỉ lại 405.000 đồng, lời được 5.000 đồng mỗi thùng.
“Nếu xuất hoá đơn 1,5% thì phải đóng thuế hơn 6.000 đồng, thành ra lỗ 1.000 đồng chứ không có lời. Đương nhiên vẫn có một số sản phẩm có lời nhưng không đáng bao nhiêu, vì tiền lời bỏ sỉ chỉ từ 5.000 – 10.000 đồng”, chị nói đó là chưa kể tiền thuê mặt bằng, điện nước, wifi, bao bì, tiền đầu tư máy tính, mua phần mềm hoá đơn mỗi năm.
![]() |
Hộ kinh doanh phải đầu tư máy móc, thiết bị có phần mềm kết nối với cơ quan thuế. |
Người phụ nữ 30 tuổi cho biết, người ta chọn mua tạp hoá vì giá rẻ, tiện lợi và nhanh hơn mua siêu thị. Những hộ bán hàng thường không thuê hoặc không có nhiều nhân viên, chủ tiệm tự ôm hết các phần việc mỗi ngày, bình thường khách mua đông đã bán không kịp, huống hồ thêm khâu kết nối với thuế, lấy hoá đơn này kia thì khách lại phải chờ tính tiền như đi siêu thị.
“Chưa kể người già, người lớn tuổi, người dân quê... đến chữ nghĩa còn đọc viết chưa rành thì làm sao biết sử dụng máy tính, phần mềm tính thuế, kê khai thuế làm sao... Nay quy định mới bỏ thuế khoán, chuyển hết qua kê khai thuế trên doanh thu, đến tôi còn không biết làm nữa chứ nói chi ba mẹ tôi.
Mà hệ thống hạ tầng công nghệ dịch vụ thật sự chưa tốt thì sao người dân có thể tự làm được, hỏi cán bộ thì này kia, gọi hotline thì không ai nhấc máy..., có mỗi cái kê khai thuế thu nhập cá nhân của tôi trên trang điện tử còn lỗi lên lỗi xuống nữa là máy tính kết nối với cơ quan thuế...”, chị T. bức xúc.
Theo chị, xưa nay tiệm tạp hoá của gia đình lấy số lượng làm lời, còn như bây giờ phải tính toán, lựa chọn: một là nâng giá, hai là dẹp tiệm; còn như kê khai sai thuế thì có thể bị phạt, còn trốn thuế thì vi phạm pháp luật.
“Tăng giá thì tội khách, không tăng thì lỗ vốn”
Chủ một hộ kinh doanh kết hợp nhà trọ sinh viên và quán cà phê nhỏ ở Q.Bình Thạnh cho biết, mấy năm qua chị cố gắng duy trì không tăng giá phòng trọ lẫn các loại nước uống trong quán, nhưng bây giờ phải tính để thích ứng với quy định thuế mới: “Khả năng sẽ tăng”.
Chị thuê lại một căn nhà ba tầng với diện tích sàn khoảng 135m2, quán cà phê chiếm chưa đến một nửa diện tích, phần nhiều còn lại ở tầng trệt làm nơi để xe cho sinh viên và khu vực nhà vệ sinh phía sau. Tổng chi phí thuê nhà nguyên căn, tính chung tất cả các loại thuế hiện nay là 35 triệu đồng/tháng.
![]() |
Những hộ kinh doanh cà phê, quán ăn, nhà trọ... phải kê khai thuế như doanh nghiệp. |
Theo lời chị, giá phòng trọ cho sinh viên hiện dao động ở mức từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, là nguồn thu nhập chính để bù đắp chi phí thuê nhà nguyên căn và bù vào quán cà phê. “Bây giờ quán đã có lời nhưng không đáng kể, dịch Covid quét qua, kinh tế khó khăn, tôi cố gắng giữ nguyên giá suốt hai năm không thay đổi”, chị kể.
Hiện nay, tổng doanh thu mỗi năm của cả hai dịch vụ cho thuê phòng trọ và buôn bán cà phê dao động từ 800 - 900 triệu đồng, tương đương mỗi tháng khoảng 66 – 75 triệu đồng và thuế khoán chừng 4 triệu đồng. Với mức doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm, chị phải chịu mức thuế theo quy định mới kể từ năm 2026, nhà trọ là 10% và buôn bán cà phê 4,5% trên doanh thu.
“Từ lúc mở quán đến nay, một ly cà phê đen là 18.000 đồng, cà phê sữa là 22.000 đồng. Mỗi ly có giá gốc dao động khoảng 8.000 đồng, cộng thêm các loại chi phí khác như mặt bằng, nhân viên, điện nước và những khoản không nói được thì tiền lời chừng 4.000 đồng/ly”, chủ quán thông tin thêm: “Quán áp dụng chương trình giảm giá 3.000 đồng/đơn cho tất cả tài xế xe ôm công nghệ, xe ôm truyền thống, người chở hàng... suốt hai năm, kể cả Lễ, Tết... nên lợi nhuận không đáng kể”.
Tới đây, nhà trọ chịu mức thuế cao nhất nhưng tôi cố giữ nguyên, còn dịch vụ ăn uống sẽ chịu thuế 4,5%, tức giá mỗi ly cà phê sẽ tăng thêm lần lượt 810 đồng và 990 đồng. “Chi phí ngày càng tăng, giờ lại đổi cách tính thuế, nếu tăng giá thì tội khách, mà không tăng thì tội mình. Chưa kể, mặt bằng chung khách hàng đến quán là dân quê, mức sống không cao nên tăng giá sẽ mất khách...”, chị chưa biết tính toán làm sao cho phải.
“Tình ngay lý gian”, người tiêu dùng chịu thiệt
Ngoài vấn đề chi phí, nữ chủ hộ kinh doanh ở Q.Bình Thạnh cũng bày tỏ những bối rối xoay quanh việc tính thuế trên doanh thu, quán có máy tính tiền như chưa kết nối với cơ quan thuế. Quán áp dụng hai hình thức thanh toán bằng chuyển khoản và tiền mặt, sử dụng một phần mềm để quản lý thu chi nhưng tới đây phải bỏ. “Lỡ họ truy nguồn gốc, mình không khớp số liệu là vi phạm; trong quán có nhiều hàng chợ, hàng quê, không biết hoá đơn làm sao...?”.
Chị kể, trước đây quán thường xuyên đổi tiền mặt cho người lỡ đường hoặc không kịp rút. Quán nhận chuyển khoản và đưa lại tiền mặt, miễn phí. Nhiều khách hàng chuyển khoản thanh toán tiền nước uống, họ chuyển dư để nhận lại tiền mặt, quán cũng hỗ trợ. Nhưng hiện tại buộc phải từ chối vì không biết phải giải thích thế nào với cơ quan thuế. “Tình ngay lý gian...”, chủ quán bày tỏ.
![]() |
Để chính sách thật sự đi vào cuộc sống cần có sự lắng nghe, hỗ trợ, lộ trình. |
Nữ chủ quán nhận định tình hình kinh doanh hiện khá khó khăn, mức chi tiêu của người dân giảm xuống rõ rệt. Mùa Tết năm ngoái, ngoài cà phê chị còn nhập về khoảng 150 tượng thạch cao và bán sạch. Đến Tết năm rồi, chị nhập 300 con nhưng chỉ bán được 20-30 con. “Quán vắng hoe, có nhiều người trước là khách quen, sau không thấy đến tôi tưởng là họ đổi quán nhưng không phải, họ nói là khó quá thắt chặt chi tiêu”.
Theo chị, chính sách thuế mới dường như đang đi ngược với xu thế, ngược với chủ trương không tiền mặt và phần thiệt thòi này dành cho người tiêu dùng khi các hộ kinh doanh từ chối nhận chuyển khoản, chỉ lấy tiền mặt để né quy định. “Người dân có rất nhiều cách để lách luật, quan trọng là họ có làm hay không thôi”, chị nói.
“Tôi nghĩ, mình làm được một đồng, đóng vào ngân sách, nhà nước sử dụng làm điện đường trường trạm, phúc lợi xã hội,... nhưng cách thu thuế như thế nào để hợp lòng dân, để người dân thấy việc đóng thuế là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi chứ không phải sự áp đặt từ trên xuống.
Đặc biệt trong giai đoạn suy thoái này, thay đổi cách tính thuế như doanh nghiệp thì hộ kinh doanh sống không nổi. Tôi sẵn sàng chia sẻ thuế với khách hàng, tôi chịu một nửa nhưng rõ ràng vẫn phải tính chuyện tăng giá vì thương người cũng phải biết thương mình, phía sau tôi cũng có gia đình. Khi giá tăng vì thêm thuế, người chịu thiệt hại cuối cùng vẫn là người tiêu dùng mà thôi”, chị nhận định.
Quy định thuế mới đối với hộ kinh doanh như hiện nay vô hình chung đang đánh đồng sự đơn giản của buôn bán nhỏ lẻ với tiêu chuẩn kế toán phức tạp của những doanh nghiệp lớn có quy trình quản lý và vận hành chặt chẽ. Trong khi các doanh nghiệp lớn còn trầy trật với thuế thì những hộ kinh doanh nhỏ lẻ khó lòng thực hiện được kê khai và tính thuế trên doanh thu.
Để chính sách thật sự đi vào cuộc sống cần có sự lắng nghe, hỗ trợ, lộ trình. Và nếu như khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn vẫn còn quá xa nhau thì cần xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp với hiện thực đời sống xã hội vốn đang gặp rất nhiều khó khăn!
Mua cá của ngư dân làm sao có hoá đơn?
Anh Huỳnh Lê mở cửa hàng buôn bán các loại cá biển. Anh thường chọn mua cá tươi đủ tiêu chuẩn từ ngư dân vùng biển rồi vận chuyển vào Q.1, TP.HCM. Anh lấy công làm lời, mỗi ký cá bán ra lời chừng 50.000 đồng, chưa kể các loại chi phí mặt bằng, điện nước, vận chuyển... Với thuế khoán trước đây, mỗi tháng tổng số tiền anh phải nộp là 1,6 triệu đồng, bây giờ thuế mới, chưa kể đến chuyện lời lỗ đã thấy có nhiều rắc rối, phức tạp.
“Sử dụng thuế trên doanh thu, hộ kinh doanh phải kê khai hoá đơn đầu vào đầu ra, mà ngư dân làm gì có hoá đơn, họ thấy giấy tờ là ngán. Họ ngán thì không bán cho mình, họ bán cho người khác. Mà mình không có hoá đơn đầu vào, đến khi họ truy lại thì bị phạt như mới đây có việc chứng minh nguồn gốc hải sản đó...”, anh nói và cho biết: “Cả tuần nay cửa hàng không có cá để bán, ngoài quê họ cũng đóng cửa chờ hướng dẫn”.
Anh Huỳnh Lê cho rằng, việc quy định thuế trên doanh thu đang đẩy hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: “Các loại giấy tờ, sổ sách kế toán của cửa hàng nhỏ như mình làm sao biết đường triển khai, thuê kế toán bên ngoài thì tăng chi phí, mà họ làm gì trên mớ sổ sách sao mình biết được? Lại thêm, hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải đầu tư thêm máy móc, thiết bị... tốn bao nhiêu chi phí trong thời buổi khó khăn này”.
Hộ buôn bán đóng thuế như doanh nghiệp - Bài 2: Cần có cách tính thuế hài hòa