Bài 1: Nguồn thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm
Người dân cảm thấy bất ngờ khi hay tin mức phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tại TP.HCM sẽ tăng lên 25% trong năm tới, bởi từ trước đến nay trên phiếu báo tiền nước hằng tháng không thấy nhắc đến và thuyết minh cách tính các khoản thu này.
Phiếu thu không thể hiện phí nước thải
Anh Hồng Anh, 32 tuổi, nhà ở Q.Bình Thạnh cho biết, thời gian qua nhận thấy tiền sử dụng nước sinh hoạt mỗi tháng của gia đình rất cao nhưng không hiểu vì lý do gì. Những ngày gần đây đọc báo thấy trong giá nước sinh hoạt có bao gồm cả phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải nên nhờ đứa em tìm lại các hoá đơn để kiểm tra.
Đơn giá nước cùng cách tính phí thoát nước và xử lý nước thải tại TP.HCM năm 2023. Từ đầu năm 2024, phí thoát nước và xử lý nước thải tăng lên 25% trên giá nước. |
Trong phiếu báo tiền nước kỳ tháng 12/2023 của Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định (thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco), cả gia đình 4 người nhà Hồng Anh tiêu thụ 17m3, tổng số tiền phải trả là hơn 458.000 đồng. Trước đó, kỳ tháng 11/2023 ghi nhận tiêu thụ 20m3, tổng số tiền gần 540.000 đồng.
Anh Hồng Anh mang theo phiếu báo tiền nước lên trụ sở Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định để hỏi thì nhân viên tư vấn cho biết, sở dĩ số tiền phải đóng cao là do chưa đăng ký định mức và bị áp dụng giá dành cho đơn vị kinh doanh – dịch vụ 21.300 đồng/m3. Nhân viên hướng dẫn thực hiện các thủ tục đăng ký định mức nước sạch để có giá thấp hơn.
Nhân viên giải thích, hiện nay, giá nước sạch tại thành phố theo định mức thấp nhất cho hộ gia đình sử dụng 4m3/người/tháng là 6.700 đồng/m3; định mức 4-6m3 là 12.900 đồng/m3; từ 6m3 trở lên là 14.400 đồng/m3. Cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể giá 13.000 đồng/m3, đơn vị sản xuất giá 12.100 đồng/m3 và đơn vị kinh doanh dịch vụ giá 21.300 đồng/m3.
Hồng Anh tiếp tục thắc mắc về cách tính giá nước hiện hành như thế nào và tại sao không thấy thể hiện trong phiếu thông báo tiền nước thì phía doanh nghiệp cung cấp một bảng tính ghi: Với đơn giá nước áp dụng cho hộ gia đình là 6.700 đồng/m3 sẽ chịu thuế GTGT 5% là 335 đồng. Giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải năm 2023 bằng 20% đơn giá nước (6.700 đồng x 20%) là 1.340 đồng, tiếp tục chịu thuế GTGT 8% là 107 đồng. Tổng cộng, tiêu thụ một khối nước, hộ gia đình phải trả 8.482 đồng/m3.
Trường hợp của nhà Hồng Anh bị áp dụng giá như đơn vị kinh doanh dịch vụ, sau khi cộng các loại thuế, phí là 26.966 đồng/m3 nên phải đóng hơn 458.000 đồng cho 17 khối nước.
Người dân cho rằng TP.HCM thu phí thoát nước và xử lý nước thải 25% trên giá nước là quá cao. |
Đơn vị thu hộ hưởng 1% tổng thu
Trong thông báo mới đây của Sawaco, kể từ đầu năm 2024, phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tại TP.HCM sẽ tăng 5% so với năm 2023, từ 20% lên 25% trên đơn giá nước. Có nghĩa là, hộ gia đình sử dụng 100.000 đồng tiền nước sạch sẽ phải trả thêm 25.000 đồng phí thoát nước và xử lý nước thải; chưa kể các loại thuế GTGT khác.
Anh Tùng ở TP.Thủ Đức phàn nàn: “Thu 25% như vậy là quá cao, trong khi nơi tôi sinh sống chỉ thấy nước thải đổ ra kênh rạch rồi sông suối, chứ có thấy xử lý gì đâu?”. Trước những phản ứng của dư luận, Sawaco giải thích chỉ là đơn vị thu hộ, việc thu tiền thoát nước và xử lý nước thải tính trên giá nước được UBND TP.HCM quy định tại Quyết định số 17/2021, bắt đầu thực hiện từ năm 2022 thu 15%, năm 2023 là 20%, năm 2024 là 25% và năm 2025 là 30% trên đơn giá nước.
Theo tìm hiểu của phóng viên, quyết định này nêu: “Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước) có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước, nguồn tiếp nhận (nguồn tiếp nhận là các nguồn nước chảy thường xuyên hoặc định kỳ như sông suối, kênh rạch, ao hồ, đầm phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất).... Hộ thoát nước... không phải trả phí bảo vệ môi trường...”.
Căn cứ Quyết định trên, Sawaco tổ chức thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thông qua hoá đơn tiền nước. Sở TNMT phối hợp thu với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. “Nguồn thu từ thoát nước và xử lý nước thải được để lại 1% trên tổng số thu thực tế để chi trả chi phí dịch vụ thu hộ; thực hiện các nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính khác (nếu có), phần còn lại nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các mục đích đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và các chi phí khác...”, quyết định nêu.
Sawaco tổ chức thu hộ phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tại TP.HCM. |
Theo kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tính đến 0 giờ ngày 1/4/2019 trên địa bàn thành phố có hơn 2,5 triệu hộ dân. Theo Sawaco, 100% hộ dân sử dụng nước sạch. Nếu trung bình mỗi hộ sử dụng 100.000 đồng tiền nước sạch thì tổng thu mỗi tháng đạt 250 tỷ đồng, một năm là 3.000 tỷ đồng (chưa kể các tổ chức, đơn vị kinh doanh dịch vụ có giá nước cao hơn).
Riêng phí thoát nước và xử lý nước thải ước tính trong năm 2022 (15%) khoảng 450 tỷ đồng/năm, năm 2023 (20%) khoảng 600 tỷ đồng/năm, năm 2024 tới đây (25%) dự kiến khoảng 750 tỷ đồng/năm, chưa tính thuế GTGT. Tương ứng, đơn vị thu hộ được giữ lại 1%, ước tính năm 2022 là 4,5 tỷ đồng, năm 2023 là 6 tỷ đồng và dự kiến năm 2024 là 7,5 tỷ đồng.
Chủ trương thu phí thoát nước và xử lý nước thải của TP.HCM phù hợp trong bối cảnh ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng, trong đó có thể kể đến những con kênh, rạch ô nhiễm nặng nề như: rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, kênh Tham Lương - Bến Cát, rạch Nước Lên, kênh Hy Vọng...
Thế nhưng, thống kê hiện nay cho thấy việc thoát nước ở TP.HCM vẫn chưa hiệu quả, nhiều nơi ngập sâu khi mưa lớn hoặc triều cường dâng. Và hơn một nửa lượng nước thải sinh hoạt chưa được xử lý mà đổ thẳng ra môi trường kênh rạch, sông suối.
TP.HCM thu phí nước thải 25% - Bài 2: Gần 60% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý