TP.HCM thu phí nước thải 25% - Bài 2: Gần 60% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trên địa bàn TP.HCM hiện có 3 nhà máy và 4 trạm xử lý nước thải hoạt động với tổng công suất thiết kế xử lý nước thải hơn 644.000 m3/ngày, khả năng xử lý đạt khoảng 40,8% nhu cầu. Điều này đồng nghĩa lượng nước thải sinh hoạt chưa được xử lý là 59,2% trong khi 100% hộ sử dụng nước sạch phải đóng thêm phí này, lên đến 25% giá nước.

Thoát nước, chống ngập ra sao?

TP.HCM có diện tích tự nhiên khoảng 2.095km2, trong đó hơn 60% diện tích là vùng đất thấp với mạng lưới sông rạch chằng chịt (7.880km), nằm trên vùng cửa các con sông lớn. Khi có triều cường, mưa lớn, địa bàn thường xuyên xảy ra các đợt ngập úng. Đặc biệt khi thủy triều dâng cao và nước lũ vận động ngược chiều nhau xảy ra cùng lúc càng làm gia tăng ngập lụt.

TP.HCM thu phí nước thải 25% - Bài 2: Gần 60% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý ảnh 1
Quy hoạch thoát nước, chống ngập đã có từ khoảng năm 2000, nhưng đến nay nhiều nơi ở TP.HCM vẫn ngập mỗi khi mưa lớn hoặc triều dâng. Trong ảnh là đường Tô Ngọc Vân, TP.Thủ Đức.

Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước thành phố đến năm 2020 (gọi tắt là Quy hoạch 752) trên phạm vi 650km2 (bao gồm khu vực nội thành hiện hữu với diện tích khoảng 140km2 và khu vực kế cận khoảng 510km2). Tổng vốn đầu tư theo quyết định được phê duyệt khoảng 40.380 tỷ đồng.

Quy hoạch 752 bao gồm 6 vùng thoát nước mưa và 9 lưu vực thu gom, xử lý nước thải, với các nội dung chính như: cải tạo hệ thống thoát nước, xây dựng các trạm bơm cục bộ, hồ điều tiết tại chỗ, cải tạo hệ thống cống và mương thoát nước, hệ thống xử lý nước thải.... Một vài dự án quan trọng như: Vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè; dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ; dự án Cải thiện vệ sinh và nâng cấp đô thị lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm... và xây dựng các nhà máy xử lý nước thải.

Đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP.HCM (Quy hoạch 1547) với tổng diện tích thực hiện là 968.500ha. Dự kiến tổng mức đầu tư là 11.531 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn một là 10.080 tỷ đồng, giai đoạn hai là 1.451 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư là ngân sách nhà nước hàng năm (gồm: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương), vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn ODA.

Quy hoạch này sẽ triển khai xây dựng các cống lớn tại Phú Xuân, Mương Chuối, sông Kinh, Kinh Lộ, Kinh Hàng, Thủ Bộ và các cống nhỏ tại các rạch khác; xây dựng tuyến đê bao nối các cống; nạo vét các kênh trục thoát nước trung tâm thành phố về phía Nam. Tiếp đó xây dựng hai cống lớn tại Rạch Tra, Vàm Thuật và các cống nhỏ tại các rạch khác nối liền tiểu dự án hệ thống bờ hữu sông Sài Gòn; nạo vét các tuyến kênh trục bắc - nam. Sau cùng là khép kín toàn bộ hệ thống kiểm soát mực nước bằng các cống lớn khác và hoàn chỉnh tuyến đê bao.

TP.HCM thu phí nước thải 25% - Bài 2: Gần 60% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý ảnh 2

Dòng nước đen ở lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm

Từ năm 2000 đến nay, TP đã có 2 Quy hoạch tổng thể với rất nhiều dự án quy mô lớn nhỏ khác nhau để giải quyết tình trạng ngập là Quy hoạch 752 và 1574. Ngoài ra, năm 2010 Quy hoạch điều chỉnh xây dựng chung thành phố; năm 2014, Quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải lưu vực sông Sài Gòn đến năm 2030 cũng được Thủ tướng phê duyệt.

Việc triển khai thoát nước, chống ngập, xử lý nước thải đã có từ hơn 20 năm trước. Rất nhiều dự án được triển khai nhưng chỗ thì dang dở, chỗ thì thiếu hiệu quả, như Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng chưa xong, các Cống kiểm soát triều và trạm bơm chống ngập như: Cống kiểm soát triều và trạm bơm Bình Triệu chưa vận đúng thiết kế, Công trình kiểm soát nước triều cầu Bông chưa được xây dựng... Và nhiều nhà máy xử lý nước thải chưa được đầu tư xây dựng hay vận hành hết công suất, dẫn đến hệ quả là nước thải sinh hoạt vẫn đổ thẳng ra môi trường.

Chỉ xử lý hơn 40% nước thải

Theo định hướng, TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng 11 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị với tổng công suất xử lý đạt 2,912 triệu m3/ngày vào năm 2020 và đạt 3,076 triệu m3/ngày vào năm 2030. Hiện nay, trên toàn thành phố có 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung đang hoạt động là: Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, công suất xử lý 469.000 m3/ngày; Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hoà, công suất xử lý 30.000 m3/ngày và Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát giai đoạn 1, công suất xử lý 131.000 m3/ngày.

TP.HCM thu phí nước thải 25% - Bài 2: Gần 60% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý ảnh 3

Nước thải được thu gom ở thượng nguồn kênh Đen, qua xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hoà rồi xả ra hạ lưu kênh Đen. Trong ảnh là cống xả với hai màu nước khác nhau, người dân câu cá phía hạ nguồn.

Trong đó, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh) là nhà máy đầu tiên và có công suất lớn nhất đang hoạt động thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM, sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản. Nhà máy hiện nay thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé – Kênh Đôi – Kênh Tẻ, rộng hơn 2.100ha, bao gồm các quận 4, 5, 6, 8, 10 và 11 với khoảng 2 triệu dân.

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) là dự án được đầu tư chung giữa Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Bỉ được khởi công năm 2004 và vận hành vào năm 2006. Nhà máy sẽ tiếp nhận 60-80% lượng nước thải kênh Đen, trên diện tích khoảng 785ha. Nước thải được thu gom từ kênh, qua các công trình xử lý như: lưới chọn rác, hồ sục khí, hồ lắng, hồ hoàn thiện..., sau khi kiểm tra, kiểm soát đạt chuẩn sẽ được thải ra môi trường.

Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát (Q.12) thuộc dự án Cải thiện hệ thống cống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương – Bến Cát sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Giai đoạn 1 của nhà máy đưa vào vận hành từ tháng 7/2017 nhằm xử lý nước thải cho lưu vực rộng hơn 2.000ha, gồm Q.Gò Vấp và một phần Q.Bình Thạnh với khoảng 700.000 cư dân sinh sống.

Nhà máy được kỳ vọng giúp giảm ô nhiễm khu vực kênh Tham Lương, sông Vàm Thuật.... Thế nhưng hiện nay, nhà máy chưa có hệ thống thu gom nước thải hoàn chỉnh nên chỉ đang vận hành khoảng 10% công suất thiết kế, theo báo cáo của Bộ Xây dựng tháng 1/2023: “Ngoài ra, hệ thống thu gom nước mưa, nước thải tại lưu vực này hiện chưa được đồng bộ, xuống cấp và không đáp ứng nhu cầu thu gom, xử lý... Tình trạng ngập úng do triều cường lên cao và khi có mưa lớn vẫn diễn ra thường xuyên”.

TP.HCM thu phí nước thải 25% - Bài 2: Gần 60% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý ảnh 4
Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát chỉ hoạt động khoảng 10% công suất thiết kế do hệ thống thu gom nước mưa, nước thải tại lưu vực này hiện chưa được đồng bộ, xuống cấp.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 4 trạm xử lý nước thải trong khu dân cư (phi tập trung) là: Trạm xử lý nước thải Tân Quy Đông, công suất 500 m3/ngày; Trạm xử lý nước thải Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, công suất 3.700 m3/ngày; Trạm xử lý nước thải Khu tái định cư 17,3ha P.Bình Khánh (Q.2 cũ), công suất 3.000 m3/ngày và Trạm xử lý nước thải Khu tái định cư 38,4ha P.Bình Khánh (Q.2 cũ, nay là TP.Thủ Đức), công suất 7.000 m3/ngày. Bên cạnh đó, Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè đặt tại khu vực TP.Thủ Đức đang được xây dựng với công suất 480.000 m3/ngày, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Trong báo cáo vào tháng 10/2023 của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện thành phố có 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung và 4 trạm xử lý nước thải phi tập trung đang hoạt động với tổng công suất thiết kế xử lý nước thải hơn 644.000 m3/ngày, khả năng xử lý đạt khoảng 40,8% nhu cầu. Điều này đồng nghĩa lượng nước thải sinh hoạt chưa được xử lý là 59,2% sẽ đổ thẳng ra môi trường.

Xử lý có tương xứng với mức thu?

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco giải thích việc thu tiền thoát nước và xử lý nước thải được UBND TP.HCM quy định tại Quyết định số 17/2021. Trong Quyết định này dẫn nhiều Luật, Nghị định, Thông tư..., trong đó có Nghị định 53/2020 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (chỉ là 10%, đóng phí thoát nước và xử lý nước thải thì không đóng phí này - PV) và Thông tư 13/2018 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.

TP.HCM thu phí nước thải 25% - Bài 2: Gần 60% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý ảnh 5

Quyết định 17/2021 của UBND TP.HCM về lộ trình thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.

Thông tư 13/2018 của Bộ Xây dựng nêu, nguyên tắc định giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ của quá trình đầu tư và khai thác, vận hành..., phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, bao gồm 2 phần: dịch vụ duy trì hệ thống thoát nướcdịch vụ xử lý nước thải. Giá có thể được tính riêng từng loại dịch vụ hoặc tính chung. Tại TP.HCM, giá dịch vụ duy trì hệ thống thoát nước và dịch vụ xử lý nước thải được tính chung vào nhau.

Nội dung Quyết định số 17/2021 có tên: “Ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025”, chỉ thấy đề cập dịch vụ duy trì hệ thống thoát nước: “...(Hộ thoát nước) có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước, nguồn tiếp nhận (nguồn tiếp nhận là các nguồn nước chảy thường xuyên hoặc định kỳ như sông suối, kênh rạch, ao hồ, đầm phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất)...”. Cùng với đó là: “Nguồn thu.... được nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các mục đích đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và các chi phí khác....”. Mà chưa thấy nhắc về “dịch vụ xử lý nước thải”.

Có thể thấy, Sawaco đang thu hộ cả phí dịch vụ duy trì hệ thống thoát nước và phí dịch vụ xử lý nước thải nhưng nguồn thu chỉ sử dụng vào mục đích đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước. Và như đã nói ở phần trên, các nhà máy và trạm xử lý nước thải đang hoạt động hiện nay chỉ có khả năng xử lý khoảng 40,8% nhu cầu do hệ thống cống thu gom chưa hoàn chỉnh, lượng nước thải còn lại chưa được xử lý mà đổ thẳng ra môi trường lên đến 59,2%.

Vậy, mức thu phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tăng lên 25% năm 2024, dự kiến lên tới 30% vào năm 2025 có thật sự tương xứng với việc xử lý nước thải trong thực tế? Và hàng trăm tỷ đồng thu được trong những năm qua được sử dụng vào mục đích đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước ra sao để mỗi khi mưa lớn hay những lúc triều cường, nhiều nơi trong TP vẫn ngập sâu trong nước?

Mong Lãnh đạo TP.HCM và các Sở ngành xem xét, kiểm tra bởi trong bối cảnh kinh tế suy thoái như hiện nay, bất kỳ khoản thu nào chưa hợp lý cũng là gánh nặng với hơn 2,5 triệu hộ gia đình tại thành phố.

TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.