Ngày 11/10, do mưa lũ diễn biến phức tạp, Trưởng ban Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 tiếp tục vận hành hồ Tả Trạch điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 1500-2500m3/s; đồng thời thực hiện điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ.
Thời gian bắt đầu tăng lưu lượng vận hành là lúc 8h ngày 11/10 và tăng dần cho đến khi đạt lưu lượng lớn nhất.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, mực nước trên sông Hướng lúc 7h ngày 11/10 là 3,72m trên BĐ III là 0,22m. Dự kiến sau 12-14h ngày 11/10 lên 4,0-4,2m trên mức BĐ III (0,5-0,7m).
Dự báo mực nước trên các sông tiếp tục lên cao. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị các cơ quan, đơn vị, người dân khẩn trương di chuyển đến nơi an toàn, triển khai các phương án ứng phó mưa lũ khẩn cấp, dự trữ lượng thực, nhu yếu phẩm thiết yếu phòng tránh mưa lũ chia cắt, kéo dài nhiều ngày.
Ngày 10/10 Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 5 nhận lệnh tiếp tục vận hành hồ Tả Trạch điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 900-1500m3/s; đồng thời thực hiện điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ.
Cũng trong ngày này, Công ty Cổ phần thủy điện Bình Điền cũng nhận lệnh vận hành hồ thuỷ điện Bình Điền điều tiết qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 500-1500m3/s; đồng thời thực hiện điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ.
Cập nhật mới nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện toàn tỉnh có 1 chết, 6 người bị thương; 24.520 nhà bị ngập lụt từ 0,2 - 1,2 m, một số nơi ngập sâu hơn. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân ở vùng thấp trũng và vùng có nguy cơ sạt lở đất đá, các địa phương thực hiện di dời 2.865 hộ dân với 8.360 nhân khẩu đến nơi ở tạm an toàn.
Hàng trăm hecta rau màu tại các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền bị ngập, có khả năng bị hư hỏng; nhiều diện tích hồ nuôi trồng thủy sản các các địa phương bị ngập và tràn (nặng nhất là 223ha diện tích nuôi tôm xem ghép chưa thu hoạch tại xã Giang Hải, huyện Phú Lộc bị ngập úng, thiệt hại từ 25-30%); bị hư hỏng và thất thoát cá nuôi 12 lồng tại xã Điền Hòa, huyện Phong Điền.
Do ảnh hưởng của triều cường bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 10 km. Nặng nhất là các đoạn qua xã Giang Hải (huyện Phú Lộc) dài 3,5 km; đoạn qua xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) hơn 2,5km; đoạn qua xã Phú Diên (huyện Phú Vang) dài hơn 2 km; đoạn qua xã Phú Hải (huyện Phú Vang) dài khoảng 1,5 km và đoạn qua xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) khoảng 1 km.
Các tuyến đường giao thông trên tuyền Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ và giao thông nội tỉnh bị ngập tràn nhiều đoạn ở vùng thấp trũng; quốc lộ 1A, ngập sâu cục bộ 0,2-0,6m tại vị trí cầu vượt Thủy Dương (TP Huế) và một số điểm ngập cục bộ 0,2 - 0,3m tại Phong An (Phong Điền); Lộc Trì (huyện Phú Lộc).