Hòa Bình rơi vào tình trạng "báo động đỏ"
Sáng ngày 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký ban hành Quyết định số 1946/QĐ-UBND công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai do mưa lớn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, công bố tình trạng khẩn cấp các công trình hồ chứa, đường giao thông, các vị trí sạt lở đất ảnh hưởng do mưa lớn trên địa bàn tỉnh gồm các công trình.
Các công trình hồ chứa: Các công trình hồ chứa đang xả tràn, có nguy cơ tràn qua thân đập, xuất hiện các hư hỏng, sạt trượt.., các công trình đã xuất hiện các hư hỏng sự cố từ trước, đặc biệt là các công trình đang chống lũ theo các phương án phòng chống lụt bão như công trình hồ Cháu, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, hồ Khang Mời, xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình, hồ Kem xã Địch Giáo, hồ Rộc Chu, xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc...
Các công trình giao thông: Các tuyến đường X2, đường 12B, tuyến C, đường TSA (Bãi Lạng - Bãi Chạo), tuyến Y1, tuyến T (Khoang - Nội), tuyến T (Chiềng - Lốc), Trường Sơn A (Ve - Chám), Quốc lộ 21, Quốc lộ 70B, các tuyến đường tỉnh: 438, 438B, 450... Các tuyến đường sạt lở tại một số điểm gây ách tắc, ngập úng cục bộ làm ảnh hưởng đến giao thông tìm kiếm cứu nạn.
Các điểm sạt trượt: Tại thành phố Hòa Bình và các huyện: Đà Bắc, Kim Bôi, Kỳ Sơn... xảy ra các điểm sạt lở đất, đá gây thiệt hại tài sản, cơ sở vật chất cho người dân.
Lệnh Thủy điện Sơn La không xả lũ về hạ du
Ngày 11/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã gửi Công điện hỏa tốc số 76/CĐ-TW đến Công ty Thủy điện Sơn La với nội dung: lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La dừng tất cả các tổ máy phát điện, không xả nước về hạ du.
Công điện nêu rõ, hiện nay, mực nước hồ Hòa Bình đã vượt mức nước dâng bình thường và tiếp tục gia tăng. Để đảm bảo an toàn công trình từ tối ngày 10/10, hồ Hòa Bình đã phải chủ động mở 5 cửa xả đáy và có thể còn phải tiếp tục mở thêm. Hiện tại mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở mức 117,3m, lưu lượng về ở mức 9,380m3/s.
Để giảm lưu lượng về hồ Hòa Bình, hạn chế xả lũ xuống hạ du, thực hiện quy định tại Quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai
Yêu cầu tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng nước đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các cơ quan có liên quan để có quyết định điều hành trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế.
Lũ trên các sông lên rất nhanh
Hiện lũ trên các sông ở Thanh Hóa đang lên rất nhanh, các sông ở Nghệ An, và hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La (Hà Tĩnh) đang lên; thượng lưu sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) đang xuống. Mực nước lúc 07h/11/10 trên các sông như sau: - Sông Bưởi tại Kim Tân 11,01m, ở mức BĐ2; Sông Mã tại Lý Nhân 9,12m, dưới BĐ1 0,38m, tại Giàng 4,95m, dưới BĐ2 0,55m; Sông Chu tại Bái Thượng 20,11m, trên BĐ3 2,11m; tại Xuân Khánh 10,01m, dưới BĐ2 0,39m; Sông Cả tại Nam Đàn 5,56m, trên BĐ1 0,16; Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 12,40m, trên BĐ2 0,4m; tại Hòa Duyệt: 8,67m, dưới BĐ2 0,33m; Sông La tại Linh Cảm 4,33m, dưới BĐ1 0,17m...
Dự báo, trong 12 giờ tới, lũ trên các sông ở Thanh Hóa tiếp tục lên rất nhanh, các sông ở Nghệ An và hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông La tiếp tục lên, thượng lưu sông Ngàn Sâu tiếp tục xuống.
Trong 24 giờ tới, lũ trên các sông ở Thanh Hóa tiếp tục lên rất nhanh, các sông ở Nghệ An tiếp tục lên. Mực nước trên sông Mã tại Giàng lên mức 7,5m, trên BĐ3 0,5m (tương đương lũ lịch sử năm 1980 và 2007); Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 6,4m, dưới BĐ2 0,5m. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
Thiệt hại lớn về người và của
Trả lời VTC News, Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu - Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cho biết, tính đến trưa nay (11/10), mưa lũ ở Yên Bái đã khiến 3 người chết, 9 người mất tích và nhiều người bị thương.“Hiện đã có 12 người chết và mất tích do mưa lũ, có thể còn tăng. Xã Hát Lừu, (huyện Trạm Tấu) bị thiệt hại nặng nề nhất về người với 3 người chết, 5 người mất tích, 3 người bị thương. Tình hình mưa lũ vẫn phức tạp và dự báo có thể số người chết vẫn còn tăng lên”. Theo số liệu báo cáo nhanh của cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái, tại huyện Văn Chấn, lực lượng chức năng cũng ghi nhận có 4 người trong một gia đình nghi mất tích do cuốn trôi nhà ở xã Phúc Sơn, đơn vị cứu hộ vẫn chưa xác định được những người này đang ở đâu.
Tính đến 10 giờ ngày 11/10, tại Nghệ An đã có 8 người tử vong và mất tích do mưa lũ. Ngoài thiệt hại về người, mưa lũ tại Nghệ An đã làm 4 nhà dân bị sạt lở, 735 nhà dân bị ngập nước; hơn 152 ha lúa và trên 4.951 ha ngô và rau màu các loại bị ngập, gần 8.000 gia cầm bị chết, 1.922,14 ha ao hồ bị ngập và 525 ha cá vụ 3 bị mất trắng; nhiều tuyến đường bị ngập nước và bị sạt lở taluy dương.
Tại Thanh Hóa: đã có 1 người chết và 2 chiến sỹ Đồn Biên phòng Yên Khương, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh bị lũ cuốn trôi trong lúc tuần tra làm nhiệm vụ.
Mưa lớn khiến nước từ thượng nguồn đổ về đã chia cắt nhiều xã ở các huyện miền núi Thanh Hóa như: Giao An, Giao Thiện, Tam Văn, Lâm Phú và bản Trải (thị trấn Lang Chánh) của huyện miền núi Lang Chánh; xã Cẩm Châu (huyện Cẩm Thủy)...Một số trường học ở các huyện miền núi phải cho học sinh nghỉ học và ở lại qua đêm vì nước dâng cao không thể đi qua các đập tràn.
Hà Tĩnh: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong ba ngày qua, tại Hà Tĩnh xảy ra mưa to liên tục gây ngập úng diện rộng. Đến sáng 11/10, 14.000 học sinh ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang vẫn chưa thể đi học trở lại.Mưa lớn cùng với việc Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả lũ đã làm cho nhiều xã trên địa bàn huyện Hương Khê bị chia cắt do ngập úng. Theo thống kê sơ bộ của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê, toàn huyện có trên 20 trường ở các xã: Phương Điền, Phương Mỹ, Hương Thủy, Hương Giang, Hương Đô, Lộc Yên... bị ảnh hưởng nên sáng 10/11, 10.000 học sinh vẫn phải nghỉ học...