Thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ về việc dự kiến lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường tỉnh Hòa Bình đệ trình UNESCO tại Công văn số 4591/VPCP-KGVX, ngày 09/06/2020 của Văn phòng Chính phủ; Công văn số 3056/BVHTTDL-DSVH, ngày 19/08/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng hồ sơ Mo Mường đệ trình UNESCO. UBND tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với 06 tỉnh/thành (Hà Nội, Sơn La, Phú Thọ, Ninh Bình, Đắc Lắc) và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất phối hợp xây dựng hồ sơ quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Hiện tại, công việc xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa Mo Mường đã hoàn thiện những nhiệm vụ như thành lập Ban Chỉ đạo, Ban xây dựng lập hồ sơ; Tổ chức điền dã, khảo sát và tọa đàm về Mo Mường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; Tổ chức điền dã, khảo sát về Mo Mường trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Phú Thọ, Đắk Lắk và thành phố Hà Nội; Tổ chức kiểm kê di sản Mo Mường, thu thập bản cam kết của cộng đồng nắm giữ di sản; Tổ chức Hội thảo khoa học "Mo Mường trong đời sống người Mường xưa và nay"; Đã hoàn thành việc sưu tầm, thu thanh, ghi hình di sản Mo Mường tại tỉnh Ninh Bình, Sơn La, Phú Thọ, Hòa Bình; Đã hoàn thành bóc, dịch tư liệu đã sưu tầm.
Toàn cảnh cuộc họp báo sáng 20/12. |
Nhận xét về những khó khăn và thuận lợi trong quá trình xây dựng hồ sơ di sản quốc gia Mo Mường, Bà Phạm Minh Hương, Phó viện trưởng Viện Âm nhạc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo và xây dựng hồ sơ cho biết: "Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên về lĩnh vực tang ma tín ngưỡng tại Việt Nam nên trong quá trình xây dựng hồ sơ chúng tôi gặp không ít khó khăn. Dù vậy, với sự ủng hộ rất lớn của cộng đồng chủ thể, các nhà quản lý văn hóa và đặc biệt là chính quyền địa phương, trong đó địa phương đầu mối là tỉnh Hòa Bình, Ban xây dựng hồ sơ đã hoàn thành đúng và đạt những tiêu chí đề ra".
Nhằm giới thiệu và quảng bá những giá trị đặc sản của di sản Mo Mường ra thế giới thông qua các học giả, những nhà nghiên cứu âm nhạc quốc tế cũng như nhằm mở rộng thông tin về các hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng với di sản Mo Mường hiện có trên thế giới, dự kiến trong tháng 1/2023 Hội thảo khoa học quốc tế "Mo Mường và những hình thức nghi lễ tín ngưỡng tương đồng trên thế giới" sẽ được Viện Âm nhạc phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức. Đây là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong lộ trình kế hoạch xây dựng hồ sơ quốc gia về di sản văn hóa phi Mo Mường.
Hội thảo sẽ tập trung vào một số vấn đề về Mo Mường. Trong đó bao gồm các đặc trưng cơ bản của Mo Mường, mối quan hệ so sánh với những hình thức thực hành nghi lễ tín ngưỡng tương tự trên thế giới, đặc biệt quan tâm tới những hình thức nghi lễ tín ngưỡng có yếu tố diễn xướng kể chuyện. Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhằm đánh giá hiện trạng di sản Mo Mường trong cộng đồng, đề xuất các biện pháp bảo tồn Mo Mường dựa trên kinh nghiệm thực tế về bảo tồn loại hình di sản tương tự ở trong nước và trên thế giới.