Tham dự hội thảo có ông Lê Hải Bình, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VHTT&DL; ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; ông Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội; cùng đại diện các cơ quan báo chí lớn như ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Về phía đơn vị tổ chức có ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí.
![]() |
Ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận TW phát biểu khai mạc hội thảo |
Phát biểu khai mạc, ông Phan Xuân Thủy nhấn mạnh sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Báo chí để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục bất cập trong quy định hiện hành và tạo hành lang pháp lý cho báo chí phát triển trong kỷ nguyên số, khi khoa học, công nghệ và truyền thông hiện đại phát triển mạnh mẽ.
Hội thảo tập trung thảo luận ba nội dung chính: xây dựng mô hình tổ hợp báo chí truyền thông đa phương tiện hiệu quả và bền vững, cơ chế liên kết để phát huy nguồn lực xã hội, và hoàn thiện pháp luật để báo chí cạnh tranh với mạng xã hội, các nền tảng xuyên biên giới trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin.
![]() |
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí. |
Trình bày tham luận, ông Lưu Đình Phúc cho biết dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) bám sát Nghị quyết 148/NQ-CP, với bốn chính sách trọng tâm: tăng cường quản lý hoạt động báo chí, nâng cao chất lượng người làm báo, thúc đẩy kinh tế báo chí và điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng. Dự thảo bổ sung nhiều quy định mới, như nguyên tắc quản lý chặt chẽ, minh bạch, phân định rõ thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương; phân loại rõ các loại hình báo chí để khắc phục tình trạng “báo hóa” tạp chí; và đề xuất mô hình tổ hợp báo chí chủ lực đa phương tiện hoạt động theo cơ chế tài chính như doanh nghiệp.
Đáng chú ý, dự thảo quy định các kênh nội dung báo chí trên mạng xã hội và ứng dụng Internet phải đăng ký, kết nối với cơ quan quản lý, tuân thủ pháp luật về báo chí và an ninh mạng. Nhà nước sẽ đầu tư công cụ số để giám sát hoạt động báo chí trên môi trường mạng. Dự thảo cũng bổ sung hai hành vi bị nghiêm cấm: trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội tự sản xuất tin bài như cơ quan báo chí, và đưa thông tin gây hại đến quan hệ đối ngoại.
![]() |
TS Lê Hải, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử |
Bên cạnh đó, TS Lê Hải, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử, góp ý rằng dự thảo cần làm rõ hơn các quy định về quản lý báo chí trên không gian mạng, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý để đảm bảo hiệu quả thực thi. Ông cũng đề xuất tăng cường các quy định hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí, giúp họ cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới.
![]() |
Ông Lê Hải Bình là người điều phối phiên thảo luận. |
Trong phần thảo luận, ông Lê Hải Bình, người điều phối, nhấn mạnh dự thảo nhằm tạo cơ chế và hành lang pháp lý để báo chí phát triển, giúp người làm báo yên tâm hành nghề. Ông đặc biệt lưu ý các nội dung cần tiếp thu ý kiến, gồm kinh tế báo chí, chuyển đổi số và mô hình tổ hợp truyền thông.
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, đề xuất quy trình cấp và thu hồi thẻ nhà báo cần nhanh chóng, đồng thời kiến nghị cụ thể hóa cơ quan chủ quản và điều kiện hoạt động báo chí.
![]() |
Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam |
Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, ông Phùng Công Sưởng, nhấn mạnh cần tháo gỡ các điểm nghẽn về kinh tế báo chí, mô hình tổ chức và quyền tự chủ để báo chí phát triển chuyên nghiệp. Ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, kiến nghị các đơn vị kinh doanh sản phẩm báo chí phải thỏa thuận với cơ quan báo chí để đảm bảo nguồn thu.
![]() |
Ông Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong |
Bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, đề xuất cơ chế đặc thù về tài chính, lao động và công nghệ cho mô hình tổ hợp báo chí, đồng thời nhấn mạnh cần quy định mạnh mẽ hơn về bản quyền tác phẩm báo chí.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Sự, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam |
Ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet, đề nghị làm rõ định nghĩa “không gian mạng” trong dự thảo, xem lại quy định yêu cầu thông tin trên mạng xã hội phải đăng trên trang chính thống để tránh gây khó khăn kỹ thuật, và cân nhắc bỏ quy định về trang thông tin điện tử tổng hợp khi nội dung báo chí chủ yếu được phân phối qua mạng xã hội.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Bá, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet |
Ông Nguyễn Kim Khiêm, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, cho rằng cần chi tiết hóa mô hình tổ hợp báo chí, xác định rõ tư cách pháp nhân, cơ chế vận hành, và mô hình tài chính. Ông đề xuất tổ chức hội thảo riêng để phân tích các yếu tố tư pháp, tài chính của mô hình này, nhằm luật hóa một cách khả thi.
![]() |
Ông Nguyễn Kim Khiêm, Tổng Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội |
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, đánh giá dự thảo rõ ràng, thể chế hóa các văn bản dưới luật và tạo điều kiện cho báo chí hoạt động trên không gian mạng. Ông đề xuất làm rõ mô hình kinh doanh báo chí, chính sách Nhà nước đầu tư công nghệ thông tin trên nền tảng số, và mô hình sự nghiệp công lập cho các cơ quan báo chí.
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam |
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Lê Hải Bình trân trọng các ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm và mong muốn tiếp tục nhận được góp ý để hoàn thiện dự thảo, sớm trình Quốc hội thông qua. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, nhân kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong kỷ nguyên số.