Hồi tôi trẻ trâu, các ông anh bà chị đều đang sung sức mọi nhẽ, nên tôi học hỏi được nhiều. Giờ các ông anh bà chị, nhiều người bất ngờ đổ dốc:
Có ông anh, trước hào sảng oai phong, giờ bất ngờ tủn mủn hẹp hòi. Thậm chí có ông đốc chứng tối nào cũng ngồi nhẩm đếm tiền.
Lại có ông anh, trước hiền hoà độ lượng, giờ tự nhiên cố chấp, mở miệng là dè bỉu lên án người khác.
Có ông khác, trước làm gì cũng phăng phăng đạp sóng cưỡi gió, giờ cóm róm dỗi vặt suốt ngày.
Nhìn một số ông anh đổ dốc bất ngờ như thế, tôi hụt hẫng choáng váng vì không hiểu tại sao. Đành ngồi ngẫm.
Ngẫm mới thấy rằng hoá ra lâu nay các ông lên dốc phăm phăm mà không thèm để ý đỉnh của mình ở đâu, lên đỉnh rồi vẫn cứ phăm phăm chạy thay vì khoan thai để đến dần điểm dốc xuống. Khi qua đỉnh thì cứ thế mà lao không hãm nổi. Họ mất phanh, đánh mất sự khoan dung với đời, với người, và với chính bản thân.
Khi không kịp chuẩn bị cho một tâm thế khoan dung với cuộc đời để mở lòng nhìn ngắm thế gian trên đỉnh dốc đời mình, họ sẽ chỉ nhìn thấy bản thân mình đang mỗi ngày trở nên yếu ớt, mệt mỏi hơn. Vì thế họ sợ hãi bất cứ ai đang từ dưới con dốc ấy lao lên. Họ tự biến mình thành vật cản để ngăn nỗi sợ hãi. Và những người yêu quý họ thường không sao hiểu nổi, chỉ biết gọi đó là sự đốc chứng.
Nghĩ thế, đỡ hụt hẫng nhiều, và tôi thấy việc học làm người già không bao giờ là sớm. Nếu chúng ta chỉ quen học để làm người lớn mà quên học cách khoan dung để làm một người già tử tế thì chúng ta sẽ có một tuổi già bi kịch.