Từ hình ảnh cậu bé viết bài trên bìa carton...
Tại bệnh viện dã chiến số 4 ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, ngoài việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, các y bác sĩ và nhân viên của bệnh viện còn tự nguyện kiêm thêm một công việc khác cho các bệnh nhân nhỏ tuổi. Đó là chuẩn bị dụng cụ học tập và hỗ trợ các em theo kịp bài giảng trên lớp.
Hình ảnh các em học sinh làm bài trên bìa carton đã khiến các nhân viên của bệnh viện dã chiến số 4 tìm mọi cách để có thể giúp đỡ được phần nào cho các em. (Ảnh: VOV) |
Từ hình ảnh cậu bé viết bài trên bìa carton...
Trong một lần tình cờ giúp bác sĩ đo SpO2 cho bệnh nhân F0, anh Trần Văn Khá, tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến số 4, huyện Bình Chánh, TPHCM chứng kiến cảnh một em học sinh là F0 vừa phải học online vừa cặm cụi làm bài trên 1 tấm bìa giấy carton. Anh Khá hỏi thăm và em kể mình đang rất cần 1 cuốn vở, 1 cây viết vì vào bệnh viện vội nên chưa kịp chuẩn bị.
Ngay sau đó, anh Khá gọi điện nhờ người nhà bên ngoài mua giúp gửi vào cho em. Rồi anh khảo sát cả tòa nhà anh đang làm việc và gặp thêm nhiều em học sinh khác cũng không kịp chuẩn bị dụng cụ học tập khi vào viện. Anh Khá bàn bạc với nhân viên phụ trách hậu cần của bệnh viện để mua tặng các em và chuẩn bị cả cho những bệnh nhi khác sau này.
“Tôi tình cờ gặp rồi một mình lên danh sách. Mấy bé này đa số cũng tầm tuổi con cháu mình. Mấy bé học đôi khi thấy thiệt thòi sợ các bé đi vào đây vừa áp lực bệnh tật, rồi học bài không kịp theo các bạn sau này về nhà lại thêm áp lực", anh Khá chia sẻ.
Bệnh viện dã chiến số 4 do Bệnh viện Nhi đồng Thành phố phụ trách có đến 20 tòa nhà nằm trên diện tích 32 ha. Bệnh viện đang điều trị khoảng 500 em dưới 16 tuổi mắc COVID-19. Do vậy, không chỉ có các em ở toà nhà nơi anh Khá làm việc mà gần như toà nhà nào cũng có các em cần hỗ trợ học tập.
Các em học sinh nhận được vỏ và bút do nhân viên của bệnh viện dã chiến số 4 chuẩn bị. (Ảnh: VOV) |
Chị Hồng Thị Từ Nghi, nhân viên của Bệnh viện dã chiến số 4 đã tìm mọi cách vận động tài trợ từ bên ngoài, thông qua phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để có thể chuẩn bị đủ số lượng sách và bút cần thiết.
Chị Nghi chia sẻ, thành phố đang trong thời điểm giãn cách xã hội nên việc mua thiết bị dụng cụ học tập cũng trở nên khó khăn hơn. Nhờ sự chung tay của các y bác sĩ, nhân viên y tế cả bệnh viện mà các em được hỗ trợ kịp thời. Không chỉ vậy, chính những tình nguyện viên, những y bác sĩ ở đây cũng bỗng chốc trở thành giáo viên bất đắc dĩ, giảng giải thêm cho các em sau giờ học online.
“Các bạn tình nguyện viên ở các tòa nhà, các bác sĩ nếu rảnh thì sẽ vào hoặc đi ngang thấy các em học thì sẽ chỉ thêm, tập viết,…Mình chỉ có hướng dẫn hoặc có ba mẹ hướng dẫn các em”, chị Nghi kể.
...Đến các "giáo viên" tay ngang
Cả gia đình anh Trần Huy, ngụ quận Bình Tân vào bệnh viện dã chiến điều trị đã gần 1 tháng. Lúc đi cả gia đình chỉ mang vài bộ quần áo cùng vật dụng cần thiết. Anh Huy có 2 con đang học lớp 1 và lớp 10 nên cần vở và viết để ghi chép. Tuần trước, các con chỉ học trực tuyến qua điện thoại mà không ghi chép gì. Nhưng đến tuần này, cả hai con đã được các cô chú ở bệnh viện dã chiến hỗ trợ tập vở để ghi bài, giảng cho những bài khó.
Bàn học của các em chính là những chiếc giường gấp ở bệnh viện dã chiến. (Ảnh: VOV) |
"Chúng tôi cảm ơn các anh chị đã giúp đỡ các cháu. Khi vào điều trị COVID-19 thì thiếu thốn đủ đường. Trong lúc đi học này mà nhận được sự giúp đỡ của các anh chị, chúng tôi cảm ơn”, anh Huy nói.
Trần Thị Anh Thư, học sinh lớp 10 trường THPT Bình Hưng Hòa (Quận Bình Tân) con gái của anh Huy chia sẻ, các cô chú trong bệnh viện thường xuyên hỏi thăm xem mạng internet có đảm bảo cho việc học không, có nắm bắt bài kịp không. Cô chú nào cũng dặn, có gì thì cứ nói để các cô chú hỗ trợ kịp thời, để việc học không bị gián đoạn.
"Con cảm ơn các y bác sĩ rất nhiều vì đã giúp đỡ con trong thời gian qua. Và học tập thì mạng cũng ổn định và tốt hơn", em Trần Thị Anh Thư cho biết.
Hình ảnh các em học sinh chăm chú vào màn hình điện thoại trong tiết học online, cắm cúi làm bài tập bên cạnh các “giáo viên” mặc bộ đồ bảo hộ...đã trở nên quen thuộc ở Bệnh viện dã chiến số 4, TP.HCM. Đó là những hình ảnh thật đẹp, thật ấm áp ở nơi vốn dĩ chỉ có bác sĩ, bệnh nhân, bình oxy và tiếng còi xe cấp cứu./.