GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam chủ trì Hội nghị. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO đã tham dự và phát biểu kết luận, chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có Lãnh đạo và đại diện sở, ban ngành các địa phương có nhiều hợp tác trong lĩnh vực thẩm quyền của UNESCO, đại diện Ban quản lý các khu di sản, Công viên địa chất toàn cầu, khu Dự trữ sinh quyển...
Hội nghị tổng kết là hoạt động quan trọng và thu hút sự tham dự đầy đủ của các Tiểu ban (Giáo dục, Văn hóa, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Thông tin Truyền thông), các Tiểu ban chuyên môn (Công viên địa chất toàn cầu, Chương trình Con người và Sinh quyển, Ủy ban Hải Dương học liên chính phủ…).
Tại Hội nghị, Ban Thư ký UBQG UNESCO Việt Nam đã đọc báo cáo tổng kết công tác năm 2019 với các đánh giá về tình hình thế giới và tổ chức UNESCO trong năm qua, khẳng định quan hệ hợp tác Việt Nam và UNESCO ngày càng được tăng cường. Về hoạt động của UBQG năm 2019, báo cáo tổng kết nhấn mạnh các điểm đã làm được như: (i) Phát huy vai trò tích cực, chủ động tại UNESCO đóng góp vào những vấn đề quan trọng mà UNESCO và các nước thành viên quan tâm, góp phân nâng cao hình ảnh Việt Nam tại UNESCO và trên trường quốc tế, đồng thời bảo vệ các lợi ích của Việt Nam; (ii) Công tác xây dựng và bảo vệ hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận danh hiệu cũng đạt kết quả khích lệ với 3 danh hiệu được UNESCO ghi danh năm 2019, góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam, quảng hình ảnh đất nước, con người,văn hóa Việt Nam đối với bạn bè quốc tế, làm giàu kho tàng di sản chung của nhân loại; (iii) Các bộ, ngành, địa phương ngày càng chú trọng quản lý hiệu quả các danh hiệu được UNESCO công nhận; phát huy các giá trị di sản để phát triển bền vững, gắn mục tiêu phát triển với việc bảo tồn bản sắc văn hóa, môi trường, phát huy vai trò cộng đồng. (iv) Đưa quan hệ Việt Nam-UNESCO đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, tranh thủ sự hỗ trợ của UNESCO trên các lĩnh vực ta có lợi ích và đang thúc đẩy. Tận dụng tri thức của UNESCO để xây dựng các chính sách,thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch đã đề ra trong năm 2019, góp phần định hướng xây dựng kế hoạch công tác năm 2020. (v) Công tác kiện toàn bộ máy, phối hợp giữa Ban thư ký, các Tiểu ban, Tiểu ban chuyên môn, các bộ ngành, địa phương và với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội diễn ra hiệu quả, thực chất và toàn diện.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc Hội nghị. |
Thảo luận tại Hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá cao các hoạt động của UBQG trong năm 2019, đặc biệt lãnh đạo các địa phương hoan nghênh sự hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình, hiệu quả của UBQG trong các công tác nâng cao nhận thức về các hoạt động hợp tác với UNESCO, thúc đẩy bảo tồn các danh hiệu, di sản của UNESCO theo hướng phát triển bền vững. Các chuyên gia, học giả và đại diện các ban quản lý danh hiệu UNESCO tham gia góp ý về nhiều khía cạnh nhằm xử lý các khó khăn hạn chế mà BTK trình bày tại Hội nghị. Hội nghị cũng thống nhất cao về đề xuất phương hướng hoạt động của UBQG năm 2020 với nhiều nhiệm vụ cụ thể cho từng lĩnh vực do các Tiểu ban, Tiểu ban chuyên môn phụ trách và phát huy hơn nữa công tác phối hợp nhằm huy động sức mạnh tổng hợp hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai, đẩy mạnh hợp tác công tư nhằm phát huy tối đa nguồn lực xã hội đóng góp triển khai các chương trình hợp tác với UNESCO.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh việc cần phát huy hơn nữa vai trò của UBQG UNESCO trong việc nắm bắt các chiến lược, ưu tiên của tổ chức UNESCO, tranh thủ kết hợp phục vụ các ưu tiên,quan tâm của đất nước như: thúc đẩy nghiên cứu khoa học biển, hoạt động của trung tâm dạng 2 của UNESCO về toán và vật lý; đảm bảo thực hiện các khuyến nghị của UNESCO về bảo tồn di sản, danh hiệu; nghiên cứu các vấn đề về biến đổi xã hội để tham mưu các chính sách phát triển cho chính phủ; tuyên truyền quảng bá hơn nữa các thông điệp nhân văn của UNESCO như xã hội học tập, học tập suốt đời...
Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam được thành lập theo quyết định số 251/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/6/1977 với nhiệm vụ nghiên cứu và trình lên Thủ tướng Chính phủ các vấn đề về phương hướng, chính sách, chương trình và kế hoạch hoạt động của Việt Nam đối với UNESCO, cũng như phối hợp và điều hòa hoạt động của các ngành có liên quan tới UNESCO.