Báo Khmer Times hôm 5/6 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Nghị sĩ Hun Many bác bỏ phát ngôn của ông Lý Hiển Long cáo buộc Việt Nam “xâm lược” Campuchia để lật đổ chế độ Khmer Đỏ năm 1979.
Những phản ứng này được đưa ra sau khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại Đối thoại Shangri-La và trên trang mạng cá nhân ngày 31/5, trong đó, ông dùng những lời lẽ cho rằng Việt Nam đã “xâm lược”, “chiếm đóng” Campuchia, để nói về việc quân tình nguyện Việt Nam sang trợ giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
Phát ngôn "không đúng" và "không phản ánh lịch sử"
Nói với báo giới ngay khi về tới Sân bay Quốc tế Phnom Penh đêm 3/6 sau khi dự Đối thoại Shangri-La 2019, ông Tea Banh nêu rõ: “Nhận xét của ông ấy (Thủ tướng Lý Hiển Long) là không đúng và không phản ánh lịch sử. Điều đó hoàn toàn không đúng chút nào khi ông ấy nói rằng quân đội Việt Nam xâm lược Campuchia. Chúng tôi muốn ông ấy phải cải chính”.
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh. Ảnh: Khmer Times. |
“Chúng tôi không chấp nhận những gì ông ấy nói. Chúng tôi đã làm rõ rằng quân tình nguyện Việt Nam đến đây để giải phóng dân tộc chúng tôi. Chúng tôi vẫn coi họ đến đây để cứu sống người dân của chúng tôi. Điều đó có ý nghĩa lớn đối với chúng tôi”.
Cũng theo lời bộ trưởng quốc phòng Campuchia, ông đã nêu vấn đề này với người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen khi dự Đối thoại Shangri-La tuần trước. Ông cho biết đã yêu cầu bộ trưởng quốc phòng Singapore thông tin tới Thủ tướng Lý Hiển Long để sửa sai bình luận của mình.
Chạm vào vết thương của người dân Campuchia
Trong khi đó, Phnompenh Post hôm 4/6 dẫn lời ông Hun Many, đại biểu Quốc hội Campuchia từ tỉnh Kampong Speu, nói ông rất bất ngờ với phát ngôn của Thủ tướng Lý Hiển Long.
Ông Many khẳng định không bao giờ được xem thường hay lãng quên sự tàn bạo và tội ác chống lại loài người, đặc biệt là tội ác diệt chủng do chế độ Pol Pot Khmer Đỏ gây ra.
Ông nhấn mạnh thế giới không nên quên bao nhiêu người Campuchia đã phải gánh chịu đau thương. Gần 3 triệu nạn nhân vô tội đã chết dưới bàn tay Khmer Đỏ trong 3 năm, 8 tháng, 20 ngày do thế giới khi đó nhắm mắt làm ngơ với Campuchia.
“Trong khi các nước chơi trò chính trị, người dân Campuchia khẩn cầu sự giúp đỡ. Chúng tôi muốn được cứu thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, không quan trọng sự giúp đỡ đó đến từ ai và từ đâu”, ông Many nói với Phnompenh Post.
“Sự giải cứu đó đã đến từ Đảng Nhân dân Campuchia với sự trợ giúp của nước Việt Nam láng giềng”.
Ông Hun May – đại biểu Quốc hội Campuchia từ tỉnh Kampong Speu. Ảnh: Phnompenh Post. |
Trong khi đó, trong bài viết có tựa đề “Lee Hsien Loong Disrespectful of Khmer Rouge victims” trên trang Khmer Times ngày 3/6, tác giả Leap Chanthavy – chuyên gia phân tích và bình luận chính trị Campuchia, cho rằng phát ngôn của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thể hiện sự thiếu tôn trọng tới những nạn nhân Khmer Đỏ và những người đã hy sinh mạng sống để chấm dứt chế độ Khmer Đỏ.
“Bình luận của ông Lý Hiển Long đã chạm sâu tới vết thương của người dân Campuchia bằng cách khuấy động những ký ức đau buồn trong khi Singapore – một chính phủ tự nhận là đạo đức cao, chưa bao giờ lên án tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ”, ông Chanthavy khẳng định. Ông là một chuyên gia phân tích và bình luận chính trị Campuchia ở Phnompenh.
Nội dung đăng tải gây bất bình của ông Lý Hiển Long. Ảnh: chụp màn hình. |
Hôm 4/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng về phát biểu gây bất bình nói trên của Thủ tướng Lý Hiển Long.
“Việt Nam lấy làm tiếc đã có một số nội dung phát biểu (của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long) phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong thông cáo. “Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Bộ Ngoại giao Singapore về vấn đề này".
“Đóng góp và hy sinh của Việt Nam trong việc cùng nhân dân Campuchia chấm dứt tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ là sự thật đã được thừa nhận rộng rãi. Ngày 16/11/2018, Toà án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) đã ra phán quyết về tội ác diệt chủng chống nhân loại của Khmer Đỏ", bà Hằng nói thêm.
"Phán quyết đã phản ánh khách quan sự thật lịch sử, thực thi công lý, trả lại công bằng cho các nạn nhân, được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế hoan nghênh”.
Bà Hằng nhắc đến những thành tựu ASEAN là “kết quả nỗ lực chung của tất cả các thành viên trong suốt chiều dài lịch sử của Hiệp hội. Mỗi thành viên thấu hiểu sâu sắc tầm quan trọng của việc không ngừng củng cố đoàn kết toàn khối, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và các nguyên tắc chung của ASEAN”.