Ngày 23/10, tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại, Viện Hàn lâm khoa học Nga, đã diễn ra hội thảo quốc tế “Những vấn đề thời sự trong nghiên cứu Việt Nam."
Hội thảo được tổ chức theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, quy tụ không chỉ các nhà nghiên cứu Việt Nam tại Nga, các nhà khoa học trẻ Việt Nam, Trung Quốc mà còn cả các nhà nghiên cứu trong những lĩnh vực chuyên môn khác.
Sự kiện này được coi là hoạt động mở màn cho chuỗi hoạt động chào mừng 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Liên bang Nga vào cuối tháng 1/2025.
Hội thảo diễn ra hai năm một lần nhằm tập hợp những định hướng, nội dung quan trọng và cần thiết mà ngành Việt Nam học tại Nga quan tâm, qua đó góp phần duy trì và phát triển lĩnh vực nghiên cứu ở chất lượng cao, đồng thời đóng vai trò là diễn đàn thu hút các nhà Việt Nam học tương lai.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc Đại học Quan hệ Quốc tế Bộ Ngoại giao Nga (MGIMO) Ekaterina Koldunova đánh giá Việt Nam hiện nay cho thấy nhiều thành tựu trong ổn định chính trị và đang trên đà phát triển kinh tế sau thời kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19, đóng góp tích cực cho các tổ chức quốc tế và khu vực.
Theo bà, nhiệm vụ của giới nghiên cứu Việt Nam hiện nay là phân tích và hiểu được những quá trình đó của Việt Nam, phục vụ cho lĩnh vực chính sách cũng như nghiên cứu khoa học.
Trong 2 ngày hội thảo, các đại biểu sẽ lắng nghe 32 báo cáo được phân nhóm thành các hướng nghiên cứu như lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa... của một đất nước Việt Nam hiện đại và giàu truyền thống.
Trong lĩnh vực chính trị và chính sách đối ngoại, các nhà khoa học trẻ từ Đại học Quốc gia Moskva (MGU), Viện Mỹ và Canada, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ giới thiệu những vấn đề thời sự hiện nay như vai trò của Việt Nam trong hợp tác với các nước Nam Bán cầu trong bối cảnh hình thành trật tự thế giới mới, tài nguyên quyền lực mềm của Việt Nam, cách Việt Nam cân bằng quan hệ với các cường quốc thế giới.
Các chính sách trong nước như vấn đề chống tham nhũng, phát triển thành phố thông minh, chính sách dân tộc cũng là những chủ đề được quan tâm tại Hội thảo.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Moskva, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN - Tiến sĩ kinh tế Vladimir Mazyrin - nhận xét trong những năm gần đây, có thể ghi nhận nhiều thay đổi tích cực trong lĩnh vực nghiên cứu Việt Nam.
Thứ nhất là đề tài Việt Nam đã thu hút không chỉ các nhà Việt Nam học, mà cả các chuyên gia trong lĩnh vực khác cũng bắt đầu viết và đăng tải những bài viết về Việt Nam, chủ yếu là các vấn đề kinh tế-chính trị đối ngoại.
Thứ hai, mặc dù lĩnh vực nghiên cứu lịch sử vốn chủ yếu do các nhà Việt Nam học kỳ cựu đảm trách có phần đi xuống nhưng lại xuất hiện nhiều định hướng nghiên cứu văn hóa, ví dụ như về trang phục dân tộc, tôn giáo... Dịch thuật quân sự cũng là một lĩnh vực mới mẻ.
Theo Tiến sỹ Mazyrin, ở một khía cạnh nào đó, chính sự tham gia của những chuyên gia “phi Việt Nam học” lại khiến hoạt động của các nhà nghiên cứu Việt Nam thêm đa dạng, nhắm vào chiều sâu và mang tính cụ thể hơn.
Trong khi đó, bà Elena Nikulina - chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Việt Nam học của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, biên tập viên chính của tạp chí điện tử Nghiên cứu Việt Nam - cho biết nếu như trong thời Liên Xô, lịch sử và văn hóa là ưu thế chủ đạo của lĩnh vực nghiên cứu Việt Nam, thì sau này và đặc biệt là trong một vài năm gần đây, giới nghiên cứu quan tâm hơn đến đường lối quốc tế và kinh tế của Việt Nam.
Xuất phát từ vị thế ngày càng lớn mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế, từ những thành tựu phát triển kinh tế, các nhà khoa học Nga ngày càng chú ý đến chính sách đối ngoại, đặc biệt là triết lý “ngoại giao cây tre” đang rất được thế giới quan tâm hiện nay, đến uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Theo bà, các nhà khoa học Nga đặc biệt quan tâm đến chính sách trong nước của Việt Nam và các phân tích được tiến hành một cách đa chiều, đa dạng hơn.
Gần đây, việc nghiên cứu tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam đã trở nên phổ biến hơn tại Liên bang Nga, có thêm nhiều trường đại học mở thêm chuyên ngành này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm huyết thuộc thế hệ trưởng thành từ thời Liên Xô, đa số sinh viên tốt nghiệp đều chọn công việc thực tiễn, số tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu không nhiều, và có nguy cơ ảnh hưởng đến sự tiếp nối trong ngành.
Vui mừng với vị thế đi lên của Việt Nam, họ đặt nhiều kỳ vọng vào quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong giai đoạn mới, tin tưởng hợp tác sẽ trở thành động lực và sự cổ vũ đối với các nhà khoa học đã và đang xây tiếp nền móng khoa học cho tình hữu nghị truyền thống giữa hai đất nước, hai dân tộc.