Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về tình trạng ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp methanol nhưng cứ đến dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, số ca ngộ độc rượu lại tăng bất thường.
Dịp trước và trong Tết nguyên đán Kỷ Hợi, ngày nào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu vào cấp cứu. Ngày ít cũng 2 trường hợp, ngày nhiều nhất cũng gần chục ca. Đa số là uống rượu trắng, không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi ngoài thị trường.
Em trai của bệnh nhân Trần Văn Chương (54 tuổi ngộ độc rượu đang điều trị tại đây) cho biết: “Anh trai tôi nghiện rượu, ngày Tết uống liên tục, mỗi ngày một lít rượu, cứ triển miên như thế nên các cơ quan nội tạng không chịu được”.
Bệnh nhân ngộ độc rượu không chỉ có người lớn tuổi mà người trẻ tuổi cũng nhiều, không chỉ có nam giới mà có cả nữ giới. Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị ngộ độc rượu cho nữ bệnh nhân 23 tuổi ở Hà Nội có tiền sử uống rượu nhiều năm tại các quán bar và một nữ bệnh nhân 19 tuổi ở Mộc Châu, Sơn La ngộ độc rượu khi đi họp lớp đầu Xuân.
Mẹ đẻ của nữ sinh này chia sẻ: “Mùng 3 Tết cháu có đi chúc Tết cùng bạn bè và về nhà một bạn trong nhóm nấu cơm, uống rượu mừng năm mới. Sau bữa rượu, cháu rơi vào tình trạng hôn mê. Sau 9 tiếng không tỉnh dậy, bạn bè mới gọi bố mẹ đến đón”.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, ngoài gần 1.000 trường hợp ngộ độc rượu nhập viện, các cơ sở y tế trên toàn quốc còn tiếp nhận hơn 2.000 ca ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời tiết nắng nóng trong những ngày Tết thuận lợi cho vi khuẩn trong thức ăn phát triển gây ngộ độc. Tuy nhiên, Trung tâm không có thiết bị xét nghiệm để tìm các nguyên nhân khác.
“Ngộ độc thức ăn rất nhiều nhưng các cơ sở y tế đều không được trang bị các thiết bị xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân ngộ độc thức ăn. Các thiết bị này rất đắt tiền mà bệnh viện đang tự chủ tài chính nên khó có khẳ năng trang bị. Tại các Viện kiểm nghiệm có máy xét nghiệm nhưng họ lại không phục vụ cho các bệnh viện”, bác sĩ Nguyên nói.
Sau Tết nguyên đán là thời điểm diễn ra các Lễ hội, các cuộc gặp gỡ bạn bè. Nếu còn tình trạng lạm dụng rượu bia, chắc chắn sau những cuộc “chè dư, tửu hậu”, vẫn sẽ có những ca ngộ độc rượu nhập viện. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tiền bạc của gia đình bệnh nhân mà còn thêm áp lực cho các y bác sĩ tại bệnh viện.