Theo công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP HCM đề xuất chủ trương đầu tư dự án Cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở với tổng vốn khoảng 324 tỷ đồng, trong đó khoảng 300 tỷ đồng là vốn ODA của Nhật Bản.
Dự án sẽ thi công phục hồi khoảng 4.000 m tuyến cống cũ các loại xuống cấp tại khu vực trung tâm thành phố; thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2017 đến hết năm 2020.
Vị trí các cống cũ được phục hồi nằm ở khu vực quận 1 và 3 nhằm mục tiêu giảm các sự cố liên quan đến hệ thống thoát nước, giảm rủi ro việc sụt lún mặt đường…
UBND thành phố cho biết, với phương pháp đào không hở, diện tích chiếm dụng mặt đường để thi công không nhiều; đường sử dụng được cả trong quá trình thi công, trường hợp thi công vào ban đêm đường vẫn có thể sử dụng bình thường vào ban ngày; không cần quan tâm đặc biệt đến các công trình ngầm tiện ích hiện hữu...
Theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP HCM, trên địa bàn thành phố có khoảng 100 km cống vòm cũ do người Pháp xây dựng. Hầu như tất cả đều đã bị xuống cấp cần thay thế, sửa chữa. Tuy nhiên, để thực hiện cần số tiền rất lớn nên phải ưu tiên thay thế đoạn nào bị hư hỏng nặng nhất.
Hệ thống cống vòm tại Sài Gòn do người Pháp xây dựng từ năm 1870. Cống lớn nhất có bề ngang 2,35 m, cao 1,8 m và nhỏ nhất có tiết diện là 0,5 m x 0,5 m. Ở khu vực trung tâm thành phố, các đường Pasteur, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Phó Đức Chính, Lê Công Kiều... cống vòm có tiết diện trung bình 0,8 m x 1,6 m.
Tình trạng xuống cấp trầm trọng của hệ thống cống này được cho là nguyên nhân gây ra nhiều vụ sụt lún mặt đường trên địa bàn TP HCM.