Họp Quốc hội: Trước 45 ngày sẽ đưa dãy số để đấu giá 'biển số ôtô đẹp'

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Vũ Huy Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết trong báo cáo của Bộ Công an, dự kiến trước 45 ngày sẽ đưa dãy số đấu giá để phục vụ công tác đăng ký và quản lý.
Họp Quốc hội: Trước 45 ngày sẽ đưa dãy số để đấu giá 'biển số ôtô đẹp'

Thảo luận ở tổ dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá vào sáng nay (26/10), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc đấu giá "biển số xe ôtô đẹp" là cần thiết nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, góp phần gia tăng nguồn thu ngân sách, song cần xem xét kỹ các nội dung để khi thực hiện đảm bảo hiệu quả.

Cần xác định thế nào là biển đẹp?

Đưa ra ý kiến, đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) đồng tình ban hành nghị quyết về đấu giá biên số xe ôtô bởi việc này sẽ đáp ứng được nhu cầu thực sự của người dân; đem lại nguồn thu tương đối cho ngân sách và phòng chống tiêu cực trong cấp biển số xe.

Tuy nhiên, ông Sinh băn khoăn biển số được đấu giá toàn quốc thì việc đăng ký sẽ mang biển số địa phương nào? “Người trúng đấu giá ở Hà Nội nhưng chuyển đăng ký về tỉnh thì xe đó mang đầu biển số nào? Hà Nội hay của tỉnh đó?” đại biểu đặt câu hỏi.

Trong khi đó, đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương) đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tiêu chí xác định biển số đẹp phải rõ ràng, ví dụ trong một dãy số phải có quy định những số nào là số đẹp để đem ra đấu giá.

Ông Phàn cũng đặt thêm vấn đề trường hợp người nào thích một khoảng số đó nhưng chưa mua được xe thì có được đấu giá không, hay phải có xe mới được đấu giá.

Còn đại biểu Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) đề nghị cần có điều khoản quy định tiền đấu giá sẽ do Bộ Công an hay Bộ Tài chính giữ đồng thời cần làm rõ số tiền thu được từ đấu giá sẽ tái sử dụng ra sao và mục đích cụ thể như thế nào để sau nay Quốc hội có chỉ số nhận diện và giám sát tối cao, đánh giá được đúng hay sai và hiệu quả như thế nào.

Tuy vậy, ông cho rằng chức năng của Quốc hội là quyết những vấn đề quốc gia đại sự, quốc kế dân sinh đang nóng do vậy, với nội dung này đại biểu cho rằng Quốc hội nên ra Nghị quyết giao cho Thường vụ Quốc hội kết hợp với Chính phủ làm và sau này Quốc hội chỉ giám sát tối cao.

Cũng liên quan đến việc đấu giá biển số xe ôtô, đại biểu Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đặt vấn đề trong quá trình tổ chức đấu giá biển số xe đẹp sẽ phát sinh tình huống người đã có xe ôtô, xe đã có biển số nay muốn đấu giá lấy biển số mới để đổi biển cũ thì có được phép hay không? Vì vậy, đại biểu kiến nghị cho phép đấu giá biển mới trả biển cũ.

Về mức giá khởi điểm, đại biểu đoàn Hà Nội đề xuất Nghị quyết chỉ nên đưa ra mức tối thiểu, sau đó giao cho các địa phương tự quyết mức giá, giá khởi điểm. Nguồn thu từ việc đấu giá thì ngân sách địa phương được thụ hưởng.

Làm rõ thêm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhận định giá khởi điểm là yếu tố rất quan trọng.

“Mức giá 40 triệu là ngang bằng với lệ phí trước bạ xe ôtô ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh còn 20 triệu là phí áp dụng ở các địa phương khác. Trường hợp chỉ quy định một mức giá chung thì nên để 40 triệu đồng là hợp lý,” Giám đốc Công an Hà Nội nêu ý kiến.

Xác định rõ quyền chuyển nhượng, cho tặng

Nhìn nhận việc đấu giá là cần thiết, theo Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) cho rằng việc tổ chức đấu giá biển số xe xuất phát từ nhu cầu của người dân, do biển số “đẹp” ít nên cần tổ chức đấu giá.

Tuy vậy, theo đại biểu, việc hạn chế một số đối tượng là không cần thiết. Do vậy, cần mở rộng phạm vi các đối tượng, từ doanh nghiệp, quân đội, liên doanh… nếu có nhu cầu nên cho đấu giá biển số.

“Khi người dân trúng đấu giá thì biển số đó là tài sản tư. Nếu xác định là tài sản công sẽ hạn chế một số quyền của người dân, như việc chỉ cho phép quyền chuyển nhượng, thừa kế, tặng, cho trong trường hợp biển đã gắn với xe. Còn nếu cho đó là tài sản tư thì phải tuân thủ các quy định của Bộ Luật dân sự, khi đó, biển số chưa gắn với xe cũng thuộc quyền sở hữu cá nhân, được cho, tặng, chuyển nhượng, thừa kế không gắn với xe,” đại biểu Nguyễn Hữu Chính nói.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt (đoàn Hà Nội) cho rằng quyền của người trúng đấu giá là điểm quan trọng nhất và người dân bỏ tiền ra để đấu giá thì phải có quyền sở hữu.

“Vấn đề đặt ra là xe đã có biển nhưng chưa ưng ý nếu đấu giá được biển đẹp hơn thì có được thay? Điều này phải quy định rõ. Bên cạnh đó, nếu hết thời hạn thí điểm 3 năm người trúng đấu giá phải tiếp tục được sở hữu biển số này coi đó là tài sản tư,” ông nói.

Để làm rõ hơn nội dung những biển số xe ôtô nào sẽ nằm trong danh mục để đưa ra đấu giá, đại biểu Vũ Huy Khánh (đoàn Bình Dương), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho biết trong báo cáo của Bộ Công an, danh mục số được đưa ra đấu giá sẽ được xác định trước 45 ngày trước khi nguồn dãy số được đưa ra công bố phục vụ công tác quản lý.

“Ví dụ biển ôtô Hà Nội đang K và từ 1/1/2023 chuyển sang đầu M thì trước đó 45 ngày cơ quan đăng ký thông báo công khai về dãy số đầu M để người dân quan tâm lựa chọn. Nếu trong 1 vạn biển số đó có khoảng 3.000 người quan tâm, dù chỉ 1 người, thì số này đưa vào danh mục đấu giá,” ông Khánh phân tích.

Đại biểu Vũ Huy Khánh thông tin thêm, sau thời gian 45 ngày, các số còn lại sẽ đưa vào kho để người dân không có nhu cầu đấu giá sẽ đăng ký một cách ngẫu nhiên và đây cũng là hướng đề xuất của Bộ Công an về khâu tổ chức thực hiện sau này.

"Bất kỳ ai vào thời điểm mà theo quyền của họ đi đăng ký thì số đó vẫn sẵn sàng và không phải chờ, còn việc đấu giá biển số đẹp sẽ đi trước một bước," ông nói.

Bình luận
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút và giữ chân giáo viên mầm non là một thách thức lớn đối với nhiều địa phương. Tại tỉnh Tây Ninh, tình trạng thiếu giáo viên mầm non đang trở thành một vấn đề nan giải, mặc dù ngành Giáo dục đã nỗ lực tuyển dụng.
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
(Ngày Nay) - Điện ảnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình quan trọng, khi sự cạnh tranh không chỉ dừng lại ở những tác phẩm nội địa mà còn đối diện với làn sóng mạnh mẽ từ các nền điện ảnh châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.