Để đánh dấu Ngày Quốc tế Thanh niên 12/8, UNESCO phối hợp với Citi Indonesia đã tổ chức một sự kiện quy tụ những tài năng trẻ đang nỗ lực bảo tồn các nghề thủ công lâu đời như nghệ thuật nhuộm vải batik, đồng thời kết hợp các hoạt động truyền thống và đương đại trong nỗ lực chung để bảo vệ môi trường. Công việc của những người trẻ này đang giúp tạo ra sinh kế cho địa phương trong thời điểm đại dịch đã tàn phá nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Tại Chợ ảo Wastra Nusantara vào ngày 18/8, khán giả đã được tìm hiểu về batik và các loại hàng dệt truyền thống bao gồm Ulos, Lombok tenun, Endek tenun và Lurik. Họ cũng có thể đặt đơn hàng dệt in sinh thái và các mặt hàng thời trang khác mà các doanh nhân trẻ đã giới thiệu tại sự kiện.
Ngành công nghiệp thời trang luôn bị đánh giá không thân thiện với môi trường. Khí thải carbon, tiêu thụ nước, ô nhiễm và bóc lột công nhân chỉ là một vài khía cạnh xấu xí của ngành công nghiệp này. Trong bối cảnh đó, các doanh nhân trẻ ở Indonesia đang tìm ra những cách thức mới để đảm bảo hướng đi của ngành thời trang nước này phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững: nâng cao di sản, sử dụng thuốc nhuộm tự nhiên và hỗ trợ phụ nữ hòa nhập, đảm bảo tài chính và thu nhập gia đình.
Indonesia là một trong những nước sản xuất hàng dệt may hàng đầu thế giới và ngành công nghiệp thời trang nước này sử dụng khoảng 3,7 triệu lao động.
Trong nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19, sự đổi mới và chuyển sang tư duy để thanh niên lãnh đạo đóng vai trò rất quan trọng để xây dựng một ngành công nghiệp thời trang bền vững và toàn diện hơn.
Bà Valerie Julliand, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Indonesia
Các nhà thiết kế trẻ đã trưng bày thiết kế của mình tại chợ ảo, như một phần của chương trình UNESCO-Citi Creative Youth at Indonesia Heritage Sites (Sức sáng tạo trẻ và di sản Indonesia), nhằm nâng cao năng lực kinh doanh cho khoảng 400 doanh nhân văn hóa trẻ sống xung quanh khu vực những di sản được UNESCO công nhận và các điểm đến du lịch nổi tiếng khác trong nước.