Mới nghe qua, nhiều người có thể cho rằng những biện pháp phòng ngừa này có liên quan đến sự bùng phát virus. Nhưng trên thực tế, đó là hành động ứng phó với tình trạng ô nhiễm không khí tăng đột biến, khiến cư dân khó chịu và giảm tầm nhìn đến mức việc đi lại bằng máy bay trở nên nguy hiểm.
Giờ đây, Ấn Độ đang chuẩn bị cho một đợt gia tăng không khí độc hại. Vào mùa thu, nông dân trên khắp miền Bắc của đất nước sẽ đốt rẫy để chuẩn bị cho vụ mùa mới. Trong giai đoạn này, ô nhiễm không khí ở Delhi có thể lớn gấp 14 lần so với mức mà Tổ chức Y tế Thế giới coi là an toàn, với phần lớn đất nước bị bao phủ bởi khói mù dày đặc, có thể nhìn thấy từ ngoài không gian.
Ấn Độ là trường hợp đặc biệt nổi bật - nhưng không phải là duy nhất. Trên khắp thế giới, những vùng đất nông nghiệp rộng lớn bốc cháy hàng năm, góp phần gây ra ô nhiễm không khí đang giết chết hàng triệu người.
Bà Helena Molin Valdés, Trưởng ban Thư ký Liên minh Khí hậu và Không khí sạch do Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc chủ trì cho biết: “Cải thiện chất lượng không khí mà chúng ta hít thở là hoàn toàn cần thiết cho sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Hơn nữa, việc này cũng rất quan trọng đối với an ninh lương thực, cần khẩn trương hành động vì khí hậu, sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm”.
Nhiều mô hình nông nghiệp sạch ở Ấn Độ. |
Carbon đen
Nhiều nông dân coi đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch là cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất để dọn đất, bón phân cho đất và chuẩn bị cho việc trồng vụ mới. Tuy nhiên, những đám cháy này và những đám cháy rừng lan từ chúng là nguồn carbon đen lớn nhất thế giới, là mối đe dọa đối với sức khỏe con người và môi trường.
Carbon đen là một thành phần của PM2.5 (là loại bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 2.5 μm) - có khả năng xâm nhập sâu vào phổi và máu. PM2.5 làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim và phổi, đột quỵ và một số bệnh ung thư, khiến ước tính khoảng 7 triệu người chết sớm mỗi năm. Ở trẻ em, PM2.5 cũng có thể gây ra các vấn đề về tâm lý và hành vi; ở người lớn tuổi, chất này có liên quan đến bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và chứng sa sút trí tuệ. Và vì ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe đường hô hấp, nó cũng có thể làm tăng khả năng bị tổn thương trước COVID-19.
Carbon đen cũng là một chất gây ô nhiễm khí hậu tồn tại trong thời gian ngắn, có nghĩa là, mặc dù chỉ tồn tại trong vài ngày hoặc vài tuần, tác động của nó đối với sự nóng lên toàn cầu mạnh hơn 460-1.500 lần so với carbon dioxide.
Không đốt thì làm gì?
Trớ trêu thay, khác xa với việc kích thích tăng trưởng, việc đốt ruộng thực sự làm giảm khả năng giữ nước và độ phì của đất từ 25 đến 30%, và do đó đòi hỏi người nông dân phải đầu tư vào phân bón đắt tiền và hệ thống tưới tiêu để bù đắp. Carbon đen cũng có thể thay đổi các mô hình mưa, đặc biệt là gió mùa châu Á, làm gián đoạn các hiện tượng thời tiết cần thiết để hỗ trợ nông nghiệp.
Nông dân đốt rơm rạ sau thu hoạch làm gia tăng ô nhiễm không khí. |
Ông Pam Pearson, Giám đốc Sáng kiến Khí hậu Cryosphere quốc tế, đã làm việc với nông dân trên toàn cầu để đưa ra phương pháp canh tác không dùng lửa cho biết: “Các giải pháp thay thế không đốt, chẳng hạn như trồng lại gốc rạ vào ruộng hoặc thậm chí trồng ngay qua gốc rạ, hầu như luôn tiết kiệm tiền cho nông dân”.
Ông Pearson lưu ý rằng việc thay đổi thói quen đốt chất thải nông nghiệp lâu đời sẽ đòi hỏi phải được giáo dục, nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực cho nông dân. Tuy nhiên, những tác động sẽ rất đáng kể và sâu rộng. Ví dụ, giảm ô nhiễm không khí từ các trang trại ở miền Bắc Ấn Độ có thể ngăn chặn gia tăng lũ lụt và hạn hán, vốn được xem là nguyên do làm tăng tốc độ tan chảy của băng và sông băng ở Himalaya - một kết quả thay đổi cuộc sống đối với hàng tỷ người sống phụ thuộc vào các con song.
Nỗ lực trên toàn thế giới
Liên minh Khí hậu và Không khí sạch hoạt động ở các quốc gia và với các mạng lưới khu vực để thúc đẩy các giải pháp thay thế cho thói quen đốt rẫy. Ví dụ ở Ấn Độ, Liên minh cung cấp cho nông dân thông tin và hỗ trợ để tiếp cận các giải pháp thay thế cho việc đốt rẫy, sử dụng vệ tinh để giám sát các đám cháy và theo dõi tác động của chúng, hỗ trợ các can thiệp chính sách, trợ cấp cho nông dân và cuối cùng là biến chất thải nông nghiệp thành tài nguyên.
Những nỗ lực của các quốc gia nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí của chính họ là một phần của nỗ lực gắn kết toàn cầu nhằm cải thiện chất lượng không khí. Năm nay, vào ngày 7/9, lần đầu tiên thế giới sẽ cùng nhau kỷ niệm Ngày Quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh, được Đại hội đồng Liên hợp quốc chỉ định công nhận chất lượng không khí là một ưu tiên cấp bách. Đó là lời kêu gọi hợp tác cùng nhau để thay đổi cách chúng ta sống - giảm lượng ô nhiễm không khí mà chúng ta tạo ra - cho đến khi mọi người ở mọi nơi trên thế giới được hít thở không khí sạch.