Theo thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo đến ngày 20/9, có tới 72 trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc còn thiếu chỉ tiêu, trong đó có 21 trường ĐH, 19 trường CĐ phía Bắc và 6 trường ĐH, 26 trường CĐ phía Nam.
Thưa thớt thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đợt 3. Ảnh minh họa. |
Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung 2 có 170 trường có nhu cầu tuyển sinh với tổng chỉ tiêu 131.000. Tuy nhiên, đến ngày 21/9, các trường mới chỉ nhận được 99.000 lượt hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Phía Bắc không chỉ trường dân lập, rất nhiều trường đại học, cao đẳng công lập cũng còn trống nhiều chỉ tiêu, đơn cử như: ĐH Lâm nghiệp thiếu gần 1.000 chỉ tiêu; Công nghiệp Việt- Hung 1.000 chỉ tiêu; ĐH Thái Nguyên thiếu 2.530 chỉ tiêu hệ ĐH và 978 chỉ tiêu hệ CĐ; ĐH Dân lập Phương Đông 800 chỉ tiêu ĐH, 80 chỉ tiêu CĐ, đặc biệt ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội còn 3.400 chỉ tiêu cho cả 2 hệ…
Ông Vũ Văn Hoá, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, trong số hồ sơ nhà trường đã nhận được sẽ có hồ sơ ảo nên nhà trường vẫn lo lắng không tuyển đủ chỉ tiêu.
Theo ông Hóa, nguyên nhân dẫn đến việc thiếu trầm trọng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường do có sự bất hợp lý trong quy định một mức điểm sàn chung cho tất cả trường top trên - giữa - dưới. "Nếu trường công lập top trên có điểm sàn trên 20; top giữa là 17-20; đại học top dưới là 15 thì học sinh sẽ chủ động được việc đăng ký vào trường thích hợp", ông Hoá cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, cho hay kết thúc 2 đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nhà trường mới chỉ tuyển được 383 thí sinh. Đợt 2, thí sinh chỉ đến lác đác. Qua 5 ngày đầu của đợt này, chỉ 25 thí sinh đến nộp hồ sơ nhưng trong đó, chắc chắn có không ít thí sinh ảo.
Trường CĐ Sư phạm trung ương cũng chịu chung số phận hẩm hiu khi có tới 460 chỉ tiêu còn thiếu nhưng số đến nộp hồ sơ chỉ vài chục. Đáng buồn hơn là Trường CĐ Công nghiệp In, năm nay chỉ tuyển 150 chỉ tiêu nhưng mới có 30 thí sinh trúng tuyển từ các đợt xét tuyển trước. Suốt một nửa thời gian xét tuyển bổ sung đợt 2, chờ mỏi mắt mà trường vẫn không nhận được hồ sơ xét tuyển nào.
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Tuyển sinh - Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế Tài chính Tp.HCM cho biết: “Năm nay, trường có 100 chỉ tiêu bậc Cao đẳng nhưng hiện nay chỉ nhận vào khoảng 30 hồ sơ và trong số đó chỉ hơn 10 sinh viên nhập học. Đối với những sinh viên này, trường sẽ có chương trình đào tạo tích hợp chung với Đại học nhằm đảm bảo khối kiến thức cũng như chương trình đào tạo, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm, đảm bảo cho các bạn đủ số lượng tín chỉ theo quy định”.
Cũng như vậy, kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung thứ 2, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng còn thiếu khoảng 1.200 hồ sơ trên tổng số 3.600 chỉ tiêu, chủ yếu tập trung ở bậc Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp. Hiện trường còn khoảng 170 chỉ tiêu bậc Đại học cho đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung cuối cùng. Trong khi đó, bậc cao đẳng còn tới 545 trên tổng số 600 chỉ tiêu xét tuyển cho 10 ngành đào tạo.
Một lãnh đạo của Trường CĐ Bách Việt cho rằng bên cạnh việc thí sinh thận trọng để chọn trường phù hợp với mình thì có lẽ một bộ phận không nhỏ đã quyết định chờ thi lại năm sau để chọn trường phù hợp. Với phương thức tuyển sinh như năm nay, vào ĐH không phải là chuyện khó bởi chỉ cần xét học bạ, thí sinh cũng có thể đậu. Tuy nhiên, chính vì dễ như vậy nên thí sinh sẽ phải cân nhắc kỹ việc chọn ngành nghề yêu thích, ngành nghề ra trường dễ kiếm việc và phù hợp với điều kiện bản thân, hoàn cảnh gia đình.
Một lý do nữa không thể phủ nhận là mức học phí khá cao của các trường ngoài công lập xét tuyển trong đợt này cũng khiến nhiều thí sinh phải… chùn chân. Đường đến trường của sinh viên nông thôn sẽ ngày càng khó khăn với mức học phí cao gấp nhiều lần các trường công lập. Bài toán kinh tế thực sự quá khó khăn cho phụ huynh, thí sinh khi đặt chân vào các trường này, trong khi tương lai ra trường có việc làm kiếm tiền trả nợ là quá xa vời với họ. Điều này lý giải tại sao chỉ những trường uy tín mới thực sự hút thí sinh như ở đợt xét tuyển đầu tiên.
Xem thêm:
- Thí sinh từ đỗ thành trượt: ĐH Huế đảm bảo quyền lợi thí sinh thế nào?
- Danh sách các trường ĐH, CĐ xét tuyển nguyện vọng 3
Tuấn Minh (t/h)