Theo Bộ Y tế, việc ban hành thông tư này sẽ tạo cơ sở pháp lý để các trạm y tế xã, phường, thị trấn có thể cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản, thiết yếu nhất trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe nhân dân từ nguồn ngân sách.
Thông tư này dự kiến sẽ đưa ra hướng dẫn đối với các trạm y tế về chuyên môn, kỹ thuật của 37 gói dịch vụ thuộc 15 nhóm, gồm:
1. Nhóm dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em;
2. Nhóm dịch vụ chăm sóc sức khỏe phụ nữ;
3. Nhóm dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi;
4. Nhóm dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật;
5. Nhóm dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền;
6. Nhóm dịch vụ phòng chống bệnh không lây nhiễm;
7. Nhóm dịch vụ phòng chống bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS;
8. Nhóm dịch vụ xác định tình trạng nghiện ma túy;
9. Nhóm dịch vụ tiêm chủng;
10. Nhóm dịch vụ về dinh dưỡng;
11. Nhóm dịch vụ bảo đảm an toàn thực phẩm;
12. Nhóm dịch vụ về sức khỏe môi trường, phòng chống tai nạn thương tích, sức khỏe lao động;
13. Nhóm dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi kết hôn, dân số và kế hoạch hóa gia đình;
14. Nhóm dịch vụ về truyền thông y tế-dân số;
15. Nhóm dịch vụ về ứng dụng công nghệ thông tin.
Căn cứ vào đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội, tổ chức mạng lưới của hệ thống y tế cơ sở, cơ cấu tổ chức, nhân lực của trạm y tế xã, phường và mô hình bệnh tật, các địa phương sẽ xây dựng lộ trình triển khai các dịch vụ.
Các cơ quan chức năng tuyến trên chịu trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật và chỉ đạo tuyến để các trạm y tế có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Các địa phương sẽ chịu trách nhiệm rà soát, xác định trọng tâm ưu tiên trên địa bàn và bố trí kinh phí, tạo điều kiện để các trạm y tế hoàn thành nhiệm vụ.
Khi các trạm y tế cung cấp các dịch vụ có chất lượng, hiệu quả sẽ góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, do người dân được chăm sóc và phòng bệnh, được tư vấn và nâng cao sức khỏe ngay tại cơ sở.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, để ban hành thông tư này, Bộ Y tế đã tổ chức khảo sát, đánh giá tác động của chính sách; tổ chức nhiều hội thảo, cuộc họp tham vấn các bộ, ngành, các sở y tế, trung tâm y tế cấp huyện, các trạm y tế xã, phường… để tổng hợp ý kiến rộng rãi của người dân, các đối tượng chịu tác động của thông tư.
Việc ban hành thông tư này là phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, nhằm thực hiện Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội về giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đồng thời, khuyến khích các địa phương chủ động, tích cực triển khai và đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, tạo điều kiện để hoàn thiện mạng lưới y tế từ Trung ương đến địa phương, từng bước nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ tại tuyến y tế cơ sở.