Giúp thương hiệu chiếm lấy lòng tin của người tiêu dùng
Công ty TNHH Cầm Thiều, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, đã được xếp hạng OCOP 4 sao với sản phẩm Trà Mãng cầu - mặt hàng kinh doanh chính của công ty. Hiện Trà Mãng cầu đã có mặt ở nhiều địa phương và được đưa vào một số siêu thị trên cả nước.
Đồng thời, công ty đã giải quyết việc làm cho 15 lao động tại địa phương thông qua việc phát triển sản phẩm OCOP.
Tại tỉnh Sóc Trăng, hơn 3 năm qua đã có 99 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó 24 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 75 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Ngành chức năng địa phương đánh giá, các sản phẩm OCOP được công nhận, xếp hạng có nhiều phát triển về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời được các đơn vị phân phối bán lẻ, sàn giao dịch thương mại điện tử ký kết hợp đồng bao tiêu số lượng lớn.
Cơ sở chế biến sản phẩm Ba Khía Cô Mới ở phường 3, thành phố Sóc Trăng cũng là một trong nhiều ví dụ điển hình về việc tạo dựng uy tín với khách hàng bằng sản phẩm OCOP. Theo chị Phạm Thị Mới, chủ cơ sở, hiện thương hiệu đã có trên 30 đại lý cả trong và ngoài tỉnh. So với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, doanh thu cơ sở của chị đã tăng khoảng 30%.
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã kích hoạt và đánh thức được khu vực nông thôn, nhiều sản phẩm từ tài nguyên bản địa được ra đời, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa, biến những sản phẩm từ làng quê đến với người tiêu dùng. Trong thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã có 161 sản phẩm OCOP, trong đó có 54 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 104 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Bánh canh gạo, bánh phở của hộ kinh doanh Ba Khánh (TP. Vĩnh Long). (Ảnh: VOV) |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, để đánh giá sản phẩm OCOP có bốn yêu cầu quan trọng, thứ nhất sản phẩm phải có vùng nguyên liệu nằm tại địa phương; thứ hai là sử dụng lao động địa phương; thứ ba sản phẩm phải đạt chất lượng cao về an toàn vệ sinh thực phẩm và cuối cùng là phải có chỉ dẫn địa lý.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 500 sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm vươn xa và chinh phục người tiêu dùng, khẳng định được giá trị của sản phẩm, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của nông sản địa phương, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân