Sáng 16/5, thành phố Hà Nội khởi động “Dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor”.
Theo nguồn tin đăng tải trên báo Lao Động, dự án được thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản. Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản, Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết, công nghệ Nano - Bioreactor đã từng thành công tại một số dự án về xử lý ô nhiễm nước sông trên thế giới như tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc…
“Sông Tô Lịch có lượng nước thải công nghiệp ít hơn nhưng lượng bùn ở tầng đáy rất lớn, bốc mùi hôi thối. Bài toán này có thể được xử lý bằng công nghệ Nano - Bioreactor” - ông Tadashi Yamamura chia sẻ.
Theo giới thiệu của ông Tadashi Yamamura, công nghệ nêu trên có thể phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học, xử lý nguồn gây ô nhiễm tạo ra mùi hôi thối của sông Tô Lịch là bùn tầng đấy. Với công suất xử lý lên tới 1.350.000m3/ngày đêm, nước thải ra sông Tô Lịch có thể được xử lý trong ngày.
Ghi nhận của PV báo Vnexpress, trong gần một giờ đồng hồ, hàng chục chuyên gia và công nhân đã lắp đặt xong hai hộp thiết bị xuống sông Tô Lịch, đoạn từ ngã tư Bưởi - Hoàng Quốc Việt xuôi về phía Cầu Giấy.
Công nhân công ty thoát nước Hà Nội dọn rác trên sông Tô Lịch. Ảnh: Võ Hải. |
Một chuyên gia cho hay các hộp thiết bị đặt chìm dưới nước sẽ tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào dòng nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng oxy, xử lý bùn thải, tạo nên môi trường trong lành hơn. Hiện thời gian các hộp thiết bị phát huy tác dụng và kinh phí thí điểm chưa được công bố.
Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam nói, công nghệ Nano-Bioreactor đã được sử dụng thành công tại một hồ ở TP Hải Phòng. Việc áp dụng công nghệ này để thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch sẽ mở đầu cho chuỗi hoạt động làm sạch các dòng sông, hồ của thủ đô và có thể lan tỏa ra địa phương khác.
"Mặc dù đây là một công nghệ hiện đại, nhưng không phải bảo bối giúp môi trường sạch sẽ mãi được. Do vậy, chúng ta phải tiếp cận đến giải pháp tổng thể về xử lý rác thải và nước thải từ nguồn", ông Khải nhấn mạnh.
Có chiều dài khoảng 14 km, toàn tuyến sống Tô Lịch bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì) có hơn 200 cửa xả nước thải.
Theo ước tính của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, mỗi ngày có 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Ngoài ra, hạ lưu sông còn phải tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Vĩnh Tuy, Mai Động, Văn Điển. Các nguồn ô nhiễm đã biến sông này trở thành một dòng sông chết. Nhiều kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch đã được thành phố đưa ra từ hơn 10 năm qua nhưng đều không hiệu quả, báo Thanh Niên thông tin.