Chị Giàng Thị Thành, 26 tuổi, ở bản Háng Cơ, xã Nậm Có, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái có bên ngực trái to bất thường. Mặc dù, chị đã đi thăm khám ở nhiều cơ sở y tế, nhưng các bác sĩ đều lắc đầu, bó tay trước căn bệnh lạ thường của cô gái trẻ.
2 năm trở lại đây, khối u bỗng phát triển nhanh, tạo thành một khối khổng lồ như quả mít và chảy dịch khối u; kèm theo đó là những cơn đau buốt kéo đến, kéo dài dai dẳng hành hạ chị Thành như "chết đi sống lại". Đau đớn khiến chị không thể đi làm nương rẫy, hàng ngày chỉ có thể ở nhà phụ cơm nước và chơi với hai đứa con nhỏ, cái chết rình rập, cuộc sống lay lắt qua ngày.
Xót thương em gái nguy kịch đến tính mạng, anh trai bệnh nhân Giàng A Sử chạy vạy khắp nơi đưa em gái đi chữa bệnh.
Chị Thành được khám bệnh và hội chẩn ở nhiều cơ sở y tế, kể cả với các chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, có những đơn vị chỉ lắc đầu, trả hồ sơ bệnh nhân và một số đơn vị khuyên gia đình đưa chị Thành ra nước ngoài phẫu thuật vì khối u phát triển quá to và là u ác.
Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân Giàng Thị Thành, các bác sỹ Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức chỉ định cho chị Thành đi chụp chiếu và làm các xét nghiệm. Qua chụp cắt lớp vi tính và xét nghiệm tế bào học, bác sĩ khẳng định chị Thành mắc bệnh ung thư sụn, có khối u to kích thước 30x20cm.
PGS. TS Nguyễn Hữu Ước – Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức cho biết: "Khối u tồn tại trong cơ thể bệnh nhân 12 năm nhưng tình trạng sức khỏe chị vẫn tốt nên chắc chắn độ ác tính của u không cao. Nhưng vì khối u quá lớn nên không thể điều trị bằng hóa chất hay tia xạ. Do đó, việc cắt bỏ khối u kèm điều trị hỗ trợ sau mổ là phương pháp hữu hiệu nhất, có thể cải thiện chất lượng và tiên lượng sống lâu dài cho người bệnh.
Tuy nhiên, phẫu thuật cắt bỏ khối u là một thách thức rất lớn, vì khối u khổng lồ, chiếm toàn bộ khoang lồng ngực bên trái (50% u) và lồi ra ngực trước – bên trái (50%). Khối u còn xâm lấn và đè ép hoàn toàn phổi trái, dính sát đẩy lệch tim và các mạch máu lớn. Chưa kể sau khi mổ xong, khung xương lồng ngực của chị Thành cũng sẽ không còn, phổi trái cũng có thể bị cắt bỏ, việc phục hồi lại thành ngực cũng như đảm bảo hô hấp cho chị cũng khó khăn.
Chính vì thế, muốn phẫu thuật, không chỉ cần các chuyên gia về phổi – lồng ngực, mà còn cần cả các chuyên gia phẫu thuật tim hở, cùng hệ thống máy tim phổi nhân tạo được chuẩn bị sẵn sàng. Rất may mắn, khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực là nơi duy nhất đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này.
Tuy nhiên, cần chấp nhận thực tế rằng nguy cơ rủi ro phẫu thuật vẫn ở mức cao, sau mổ có thể biến chứng nặng nề (phải chạy ECMO, thở máy dài ngày, lọc máu, hồi sức tim – phổi …), với chi phí lớn, có rủi ro tái phát.
Quá trình phẫu thuật diễn ra căng thẳng, kéo dài tới 6 tiếng đồng hồ. Khối u lớn có trọng lượng tới 4kg. Ngoài việc bảo vệ, tránh làm tổn thương tim và các mạch máu lớn, cắt bỏ hoàn toàn khối u, các xương sườn, còn phải cắt bỏ toàn bộ phổi bên trái, đồng thời tạo hình lại xương ức cũng như thành ngực trái của bệnh nhân.
Ca phẫu thuật thành công, tiến triển sau mổ thuận lợi, bệnh nhân được rút ống máy thở và tự thở tốt. Sau mổ chỉ 1 ngày, bệnh nhân không cần các phương tiện hỗ trợ tim phổi đặc biệt. Kết quả xét nghiệm khối u cho thấy là ung thư sụn có độ ác tính thấp, tiên lượng bệnh nhân sẽ tốt.
Hiện tại, bệnh nhân Thành hồi phục hoàn toàn và sẽ được ra viện trong thời gian tới.