Không chồng vẫn có… đàn con

(Ngày Nay) -  Hơn 10 người mẹ ở làng trẻ em SOS Quy Nhơn, Bình Định đều là những phụ nữ chưa từng lập gia đình, chưa từng sinh con. Vậy mà mỗi người có đến chục đứa con, mỗi đứa một quê, mỗi đứa một tính, nhưng đứa nào cũng yêu thương và đùm bọc nhau. Những phụ nữ ấy đã bỏ lại tuổi thanh xuân, từ bỏ hạnh phúc cá nhân để suốt đời chăm trẻ mồ côi với tất cả khao khát làm mẹ của mình...
Mẹ Oanh khóc khi kể về các con
Mẹ Oanh khóc khi kể về các con

Những ngôi nhà chỉ có mẹ là điểm tựa

Sáng nào, mẹ Trần Kim Oanh cũng thức dậy thật sớm, lo bữa sáng cho khoảng chục đứa trẻ trong nhà. Chị đã gắn bó vai trò bảo mẫ trong làng trẻ SOS Quy Nhơn, Bình Định được 5 năm. Người phụ nữ gần 50 tuổi đến từ thị xã An Nhơn có dáng vẻ gầy gò, nhỏ thó. Chị không khỏi rớt nước mắt khi kể về lần đầu nghe lũ trẻ gọi “Mẹ”.

“Nghe tụi nó gọi Mẹ lần đầu bỡ ngỡ lắm. Chúng gọi mẹ cũng khóc, mà nghe xưng con cũng rung rưng không à… Bây giờ mà phải xa chúng nó thì chỉ có chết khô, chết héo vì nhớ thương mà thôi” – chị nói.

Bố mẹ chị qua đời sớm, chị Oanh ở chung nhà với anh chị. Ngày chị quyết định bỏ việc thủ kho tại một xưởng gỗ gần nhà để “đầu quân” vào làng trẻ mồ côi SOS, nhiều người bảo: “Thân nuôi chưa xong thì nuôi ai hả giời”, nhưng chị vẫn muốn. Chị tự nhủ: “Cứ thử xem thế nào”.

Cuộc thử nghiệm ấy hóa ra dài hơn chị nghĩ, kéo đến bây giờ. Lúc đầu chị nhận nuôi 6 đứa trẻ, sau nhận thêm 1 em bé bị bỏ rơi ở cổng làng, còn bế ẵm. Rồi cứ thế, hơn 30 đứa đã được mẹ Oanh chăm sóc, nuôi dưỡng.

“Trước giờ chưa bao giờ ẵm em bé nào, thế mà giờ phải ẵm, tắm rửa, cho chúng ăn uống, tất tần tật mọi thứ... trong khi chưa lập gia đình, chưa có con, chưa biết gì hết trơn…” – chị vừa lau  nước mắt nhớ lại, vừa nghẹn ngào kể. Chị hạnh phúc vì có lần bế đứa trẻ còn bé xíu, chăm sóc ngay từ lúc lọt lòng, đặt tên con theo họ Trần như chị, hạnh phúc vô cùng! “Không phải máu mủ nhưng khi mình nắm tay nó, mình tắm cho nó, mình sắm sửa quần áo, sách bút cho nó, bỗng nghĩ khó khăn cỡ nào cũng phải nuôi tụi nó, không thể buông bỏ”. Trong ngôi nhà hơn chục đứa trẻ chạy ngược chạy xuôi, chị nhớ tên từng đứa, từ 6 đứa đầu tiên đến những đứa trẻ hiện tại. Chị chỉ vào đống ảnh treo tường nói vanh vách: “Thằng Quốc tình cảm lắm, thương mẹ nhất nhà, giỏi nhất nhà…”.

Làng trẻ em SOS Quy Nhơn được xây dựng cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 5km về phía Bắc. Nơi đây là không gian sinh sống của 14 nhà ở gia đình có khả năng nuôi dưỡng thường xuyên 120-140 cháu.

Không chồng vẫn có… đàn con ảnh 1Mỗi mẹ nuôi khoảng chục đứa trẻ trong một ngôi nhà...

Mỗi bà mẹ ở làng SOS Quy Nhơn có trên dưới 10 đứa con như chị Oanh. Các em là những đứa trẻ có hoàn cảnh khác nhau, em thì mồ côi cha, em mồ côi mẹ, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, nghèo khổ nên mới phải nương tựa vào làng. Khi vào ngôi nhà chung, nhiều đứa trẻ vẫn còn đỏ hỏn. Tất cả sống quây quần trong những ngôi nhà mang tên các loài hoa, hoa hồng, hoa thủy tiên… Ngôi nhà hoa hồng nhưng cuộc sống không trải hoa hồng. Lúc nào các mẹ cũng phải suy tính, chi li từng khoản tiền một để quán xuyến tiền học, tiền ăn cho lũ trẻ.  

Hơn chục bà mẹ trong làng SOS chưa một lần lấy chồng sinh con, phần lớn họ là những phụ nữ ở các vùng quê trên địa bàn tỉnh Bình Định, tuổi từ 40-50, sức khỏe tốt, tự nguyện hy sinh phần đời còn lại cho trên dưới 10 đứa trẻ. Những người mẹ này có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ em, chuẩn bị các điều kiện để trẻ có thể hòa nhập, tự lập khi đến tuổi trưởng thành. Tựa như bao bà mẹ khác, họ còn là người tạo lập mối quan hệ tình cảm ruột thịt, đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình, giữa các gia đình trong làng.

Công sinh không bằng nghĩa dưỡng

Mỗi mẹ đều có cả đàn con nên chuyện nuôi nấng, chăm sóc của mỗi gia đình cũng khó năm bảy đường. Đến nhà mẹ Tám khi mẹ đang chuẩn bị cơm trưa, dăm ba lũ trẻ ê a học bài, mới thấy hết những mái ấm chỉ có mẹ và con, mẹ Tám nhanh miệng kêu các con lấy nước mời khách, mẹ rửa tay vô liền.

Ban đầu mẹ Tám e ngại, mặc cảm và nghĩ chưa làm được nhiều cho các con nên chẳng dám chia sẻ gì. Nhưng rồi người phụ nữ quê thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định cởi mở nói: “Mình thèm có con, trong khi nhiều bà mẹ sinh con ra không có điều kiện chăm sóc buộc phải gửi con vào làng SOS. Mình tình nguyện vào đây chăm trẻ và luôn cố gắng bù đắp cho các con thật nhiều”.

Không chồng vẫn có… đàn con ảnh 2Các mẹ dạy con học, dạy con chơi

Mẹ Kiều Dung -  một bà mẹ khác trong làng chia sẻ với chúng tôi: Thương chúng nhiều lắm, đứa nào có vấn đề gì mình rành hết. Nhưng tụi nó còn nhỏ, lại ham chơi, mình nói, có con chỉ nghe phần nào, có con bướng bỉnh cãi lại. Khi lũ trẻ trách móc, thậm chí hờn dỗi mẹ, mình lại buồn, ngồi khóc. Những lần như thế, mình lại tự an ủi bản thân, lau nước mắt đến nhẹ nhàng nói chuyện giúp con hiểu chuyện”.

Áp lực làm mẹ của một đàn con không hề đơn giản, 5 năm qua, đã có 4 bà mẹ xin thôi việc vì mệt mỏi. Những ai đủ kiên trì và đủ lòng yêu thương mới có thể trụ lại. Những đêm trắng trông con ốm, trông con ôn thi hay những lần mẹ con bất đồng quan điểm… đều là chất xúc tác khiến tình cảm mẹ con trong mỗi ngôi nhà thêm sâu sắc, gắn bó. Nhiều bà mẹ từ lâu đã quên rằng mình đang nhận lương làm việc.

Không phải bà mẹ nào cũng có kỹ năng dạy dỗ trẻ em, cũng không mẹ nào từng… làm mẹ nên trước khi về làng, các mẹ đều phải trải qua một lớp đào tạo ở Hà Nội. Những người phụ nữ vốn quen lam lũ, trình độ văn hóa có hạn không tránh khỏi những lúng túng với việc học hành. Nhiều mẹ vốn chỉ quen cầm cuốc, trồng rau, giặt giũ… nay phải cầm bút, chong đèn đọc sách, tìm hiểu kiến thức. Nhưng được sự động viên của cán bộ ở làng, tất cả đã vượt qua để sẵn sàng làm… mẹ.

Ông Nguyễn Xuân Cương, Giám đốc Làng trẻ em SOS Quy Nhơn, Bình Định cho biết: “Từ điểm chung là khao khát tình mẫu tử của người phụ nữ không có con và đứa trẻ không có gia đình, những mái ấm đã được hình thành tại làng trẻ em SOS Quy Nhơn một cách tự nhiên và . Các chị em đã vượt qua khó khăn riêng, hoàn cảnh riêng để chăm lo các con một cách đầy đủ, tận tâm nhất. Mỗi gia đình là một tổ ấm yêu thương dành cho các cháu mồ côi…”.

Không cần hỏi chuyện nhiều, chỉ cần quan sát, nhìn vào những ngôi nhà yêu thương ấy, những bà mẹ làm điểm tựa nấu những món ăn ngon, dạy con đánh vần những bài học vỡ lòng mới, nhẹ nhàng gấp áo quần xếp ngay ngắn vào tủ… là đủ để thấy được tình yêu thương chân thành của những phụ nữ đơn thân này. Họ đã gói ghém cả một trời yêu thương lòng mẹ vào ngôi nhà, vào những công việc tỉ mỉ, ân cần chăm sóc con – những hành động nhỏ bé nhưng nặng tình mẫu tử mà chỉ có người phụ nữ giàu lòng yêu thương mới có thể làm được. 

Hiện làng trẻ em SOS Quy Nhơn đang chăm sóc và nuôi dưỡng trên 100 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Làng trẻ em SOS Quy Nhơn thường xuyên quan tâm, chăm lo cho việc học tập của các cháu. Tỷ lệ học sinh khá giỏi hàng năm đạt từ 50 - 60%. Bên cạnh việc chăm lo cho các cháu học tập tốt về văn hóa, Làng trẻ em SOS Quy Nhơn còn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu cá nhân. Làng thường xuyên tổ chức các lớp và câu lạc bộ năng khiếu, tạo điều kiện cho các cháu phát huy tài năng và phát triển toàn diện.

Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.