Ngày 13/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, cho ý kiến về Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, qua hơn 5 năm kiểm nghiệm thực tế Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho thấy một số tiêu chí vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn mang tính đặc thù của mỗi vùng miền. Do đó, cần thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới Bộ tiêu chí khung xã nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020.
Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí này cũng được Quốc hội yêu cầu tại Nghị quyết số 100/2015/QH13 về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và gắn với chỉ đạo mới nhất của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII: “Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý” và “chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Nguyên tắc sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí được ông Trần Thanh Nam nêu là không thay đổi số lượng, bố cục các nhóm tiêu chí, chỉ bổ sung chỉ tiêu theo hướng phù hợp với việc lồng ghép các dự án từ chương trình mục tiêu quốc gia khác vào chương trình xây dựng nông thôn mới, phù hợp với các chương trình mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc…
“Trung ương chỉ quy định mức đạt chuẩn các tiêu chí, chỉ tiêu áp dụng đối với tất cả các xã, còn các tỉnh, thành phố chủ động quy định cụ thể một số tiêu chí, chỉ tiêu hạ tầng kinh tế-xã hội đối với các nhóm xã để phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương”, ông Trần Thanh Nam cho biết.
Sau khi nghe các ý kiến góp ý của lãnh đạo các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình nhấn mạnh: “Bộ tiêu chí nông thôn mới có ý nghĩa rất quan trọng tới thành, bại của chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới. Soạn thảo một vài chữ không đúng là không thể thực hiện được. Bộ NN&PTNT phải tập trung công sức hoàn thiện Bộ tiêu chí này, không để các địa phương phản ứng vì những cách hiểu khác nhau khi thực hiện”.
Theo Trưởng Ban Chỉ đạo, để sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí này cần căn cứ vào Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" của Hội nghị Trung ương 7 khóa X, trong đó đã xác định thành tố cơ bản của nông thôn mới là ở cấp xã và đặt ra 5 mục tiêu xây dựng nông thôn mới: Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng cao; phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy hoạch có hệ thống hạ tầng đồng bộ và đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài; môi trường xanh, sạch, đẹp; bảo tồn phát huy được bản sắc văn hóa các vùng miền; hệ thống chính trị vững chắc.
Nhìn vào các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Nghị quyết 26, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Các tiêu chí mềm của nông thôn mới rất quan trọng, từ đời sống người dân, an ninh, an toàn xã hội, văn hóa, môi trường và sự vững mạnh của hệ thống chính trị. Khi đó, các tiêu chí cứng chỉ là nội hàm của sự phát triển mà thôi”.
Nhấn mạnh giá trị của các mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Nghị quyết Trung ương cho giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn cho rằng có 3 vấn đề nổi lên trong xây dựng nông thôn mới đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Đó là các tiêu chí của nông thôn mới phải có đặc điểm, đặc thù và mức độ phù hợp với từng vùng, miền và từng địa phương chứ không thể vùng nào cũng giống nhau được; xây dựng nông thôn mới phải phù hợp với mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đi liền với đô thị văn minh; thực hiện lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác và các chương trình phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc với xây dựng nông thôn mới để tránh dàn trải, lãng phí.
Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới phải giải quyết được 5 mục tiêu hướng tới của nông thôn mới và giải quyết được 3 vấn đề nổi lên sau 5 năm thực hiện Bộ tiêu chí cũ. Theo đó, Bộ tiêu chí mới vẫn bao gồm 19 tiêu chí, sẽ mang tính chất “tiêu chí khung” để thống nhất thực hiện trong toàn quốc. Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành khác rà soát kỹ lại các tiêu chí, tiêu chuẩn, nội hàm, phù hợp với Quyết định số 1600/QĐ- TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII về xây dựng nông thôn mới, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới cho giai đoạn 2016-2020.
Đối với việc tăng cường phân cấp thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn nông thôn mới, Phó Thủ tướng yêu cầu phải theo tiêu chuẩn chung của mỗi bộ, ngành. Theo đó: “Bộ, ngành sẽ hướng dẫn, cụ thể hóa tiêu chí thuộc chức năng quản lý Nhà nước của mình thành các tiêu chuẩn cụ thể. UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào hướng dẫn của các bộ, ngành để quy định chi tiết các tiêu chuẩn sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, tình hình biến đổi khí hậu trên địa bàn, nhưng không được hạ thấp chỉ tiêu, tiêu chuẩn của các tiêu chí”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ NN&PTNT tập hợp hướng dẫn của các bộ để soạn thảo cẩm nang, tài liệu hướng dẫn thực hiện các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 cho các địa phương. Đặc biệt, Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT xây dựng các tiêu chuẩn và tiêu chí cho những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong quá trình lồng ghép việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành tính toán lồng ghép các nội dung phù hợp đi liền với cân đối được nguồn lực để đảm bảo thực hiện hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho ý kiến về việc sửa đổi các tiêu chí nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020 để Bộ NN&PTNT hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ thông qua và giao Bộ NN&PTNT hoàn thiện các văn bản, chuẩn bị cho cuộc họp trực tuyến toàn quốc về xây dựng nông thôn mới sẽ được tổ chức trong thời gian sớm nhất.