Kiều bào từ 22 quốc gia trên thế giới về với Trường Sa và Nhà giàn DK1

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Chiều 23/4, tại Khánh Hòa, 47 kiều bào đến từ 22 quốc gia trên thế giới cùng gần 200 đại biểu đã kết thúc chương trình Đoàn kiều bào thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2023.
Kiều bào từ 22 quốc gia trên thế giới về với Trường Sa và Nhà giàn DK1

Chương trình có chủ đề “Tổ quốc niềm tin và khát vọng - Lần thứ 10, kiều bào về Trường Sa”.

Chuyến tàu thăm Trường Sa lần này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với Đoàn. Đây là lần thứ 10 Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức Đoàn kiều bào thăm Trường Sa.

Chia sẻ sau chuyến đi, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, từ năm 2012 - 2023, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức 10 đoàn công tác với tổng số trên 500 lượt kiều bào đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Trong hai năm 2020-2021, chương trình bị gián đoạn do dịch COVID-19. Từ năm 2022, chương trình ý nghĩa này được khởi động lại nhằm đáp ứng tình cảm, nguyện vọng của bà con kiều bào hướng về biển đảo Tổ quốc.

Theo ông Nguyễn Minh Vũ, những năm qua, việc tổ chức các đoàn công tác thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã góp phần tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Các chuyến thăm Trường Sa là dịp để kiều bào từ nhiều nơi trên thế giới gặp gỡ, giao lưu, kết nối, tạo gắn kết giữa kiều bào với nhân dân trong nước, góp phần tăng cường đại đoàn kết và hòa hợp dân tộc. Đây cũng chính là tinh thần của Nghị quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và mới đây nhất là Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài luôn thấu hiểu và biết ơn sâu sắc công lao to lớn của Quân đội nhân dân và Hải quân nhân dân Việt Nam trong việc giải phóng, bảo vệ và phát triển các hệ thống đảo xây dựng thành những cơ sở bảo đảm an ninh vững chắc cho chủ quyền biển đảo.

Trong các chuyến thăm Trường Sa, bà con kiều bào từ khắp nơi trên thế giới với tấm lòng và tình cảm của mình đã có những đóng góp thiết thực, góp phần giảm bớt phần nào khó khăn của các cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo xa. Trong một khoảng thời gian rất ngắn, kiều bào đã đóng góp nguồn kinh phí quan trọng cho chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, quà tặng thiết yếu hỗ trợ đời sống quân và dân Trường Sa với tổng số tiền gần 1,3 tỉ đồng.

Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân (Trưởng đoàn công tác số 4) đã tiếp nhận ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; trân trọng những tình cảm, sự đóng góp thiết thực cả về vật chất và tinh thần của bà con tham gia chương trình lần này cũng như kiều bào ta trên thế giới dành cho các cán bộ, chiến sỹ và nhân dân quần đảo Trường Sa.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Trường Sa từ ngày 18-23/4, bà con kiều bào cùng thành viên Đoàn công tác số 4 đã đến thăm các đảo Sinh Tồn Đông, Len Đao, Đá Tây B, Trường Sa, Nhà giàn DK1/16 Phúc Tần.

Tại các điểm đến thăm, kiều bào được nghe, tìm hiểu về tình hình công tác, đời sống của cán bộ, chiến sỹ; thăm hỏi, động viên và tặng quà quân và dân tại các điểm đảo; thăm trường học, nhà dân, chùa tại các đảo nổi; tham dự Lễ chào cờ, duyệt đội ngũ của quân dân đảo Trường Sa; dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; dự Đại lễ cầu siêu, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, ngư dân tử nạn tại chùa Trường Sa; thăm làng chài, bệnh xá…

Chiều 20/4, trong không khí trang nghiêm, xúc động, các đại biểu kiều bào cùng thành viên Đoàn công tác số 4 đã tham dự Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sỹ hy sinh tại quần đảo Trường Sa vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Chia sẻ tại các điểm đảo Đoàn đến thăm, Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, phức tạp và nhạy cảm; là sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và của thế trận chiến tranh nhân dân trên biển.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngoài sự nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, rất cần sự quan tâm, động viên, giúp đỡ kịp thời của các cấp ban, bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp và các kiều bào ta ở nước ngoài… Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của đông đảo đồng bào, đồng chí cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài để Trường Sa ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn.

Hải trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1 luôn là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt trong việc góp phần khẳng định mạnh mẽ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Sau chuyến thăm Trường Sa lần này, nhiều hoạt động tích cực hướng về biển đảo quê hương sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng hơn trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Các chuyến đi Trường Sa luôn hun đúc tinh thần yêu nước và nâng cao hơn nữa trách nhiệm đối với quốc gia dân tộc. Bà con kiều bào ta sẽ trở thành những sứ giả của Trường Sa, lan tỏa tình yêu với biển đảo Tổ quốc, biến tình yêu thành hành động cụ thể để đóng góp cho công tác xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.