Kim Oanh Group huy động vốn trái phép hàng trăm tỷ đồng sau khi thâu tóm 43ha đất công

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngay sau khi thực hiện thương vụ mua lại toàn bộ cổ phần tại Công ty Tân Phú cùng khu đất 43ha đất công, Kim Oanh Group đã tiến hành động thổ dự án và huy động vốn của hàng trăm khách hàng bằng hình thức góp vốn thực hiện dự án.
43ha đất công mà Kim Oanh Group thâu tóm nằm ở vị trí đắc địa.
43ha đất công mà Kim Oanh Group thâu tóm nằm ở vị trí đắc địa.

Như Ngày Nay đã thông tin, Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú (Khu đô thị Tân Phú) có tổng diện tích 43ha tọa lạc tại phường Hòa Phú (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Năm 2010, Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2, thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) đã liên doanh với Công ty CP Bất động sản Âu Lạc thành lập Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú để thực hiện dự án.

Đến năm 2017, Tổng Công ty 3/2 bất ngờ chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, dẫn đến hậu quả diện tích 43ha đất công đã rơi vào tay tư nhân, gây thất thoát tài sản của nhà nước. Sau khi thâu tóm xong Công ty Tân Phú, Công ty Âu Lạc đã chuyển nhượng 100% cổ phần tại doanh nghiệp này cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh (Kim Oanh Group) với giá hơn 350 tỷ đồng.

Kinh doanh trái phép

Năm 2018, sau khi sở hữu Công ty Tân Phú cùng khu đất 43ha, Kim Oanh Group đã lập tức tiến hành động thổ dự án. Hoạt động thi công xây dựng này đã bị Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương xử phạt hành chính vào tháng 2/2018 do dự án chưa được cấp Giấy phép xây dựng.

Theo bảng thông báo Kim Oanh Group cắm trước cổng dự án từ năm 2018 có nội dung: “Dự án đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý nên chưa thực hiện các giao dịch cho các khách hàng có nhu cầu về nhà ở và đất ở. Khi nào đủ điều kiện giao dịch chủ đầu tư sẽ thông báo rộng rãi cho quý khách hàng, đối tác biết để giao dịch...”.

Kim Oanh Group huy động vốn trái phép hàng trăm tỷ đồng sau khi thâu tóm 43ha đất công ảnh 1

Sau khi thâu tóm, Kim Oanh Group tiến hành xây dựng khi chưa có giấy phép.

Tuy nhiên, trên thực tế, Kim Oanh Group vẫn thực hiện hàng loạt giao dịch tại dự án Khu đô thị Tân Phú thông qua các hình thức góp vốn thực hiện dự án, vay vốn thực hiện dự án. Điều đáng nói, hoạt động giao dịch này diễn ra rầm rộ khi dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý để có thể đưa vào kinh doanh theo quy định pháp luật.

Cụ thể, theo bảng sao kê tài khoản của Công ty Tân Phú từ ngày 1/7/2018 đến ngày 30/9/2019, đã có hơn 650 giao dịch chuyển tiền với nội dung góp vốn, cho vay thực hiện dự án Tân Phú. Tổng số tiền giao dịch lên đến gần hơn 400 tỷ đồng, trong đó số tiền nhỏ nhất được chuyển là 50 triệu đồng, lớn nhất hơn 15 tỷ đồng. Số tiền giao dịch thực tế có thể sẽ lớn hơn rất nhiều do có những giao dịch thực hiện bằng tiền mặt.

Đến đầu năm 2020, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Bình Dương đã tiến hành khởi tố vụ án tại khu đất công 43ha này, sau đó chuyển hồ sơ cho Bộ Công an tiếp tục điều tra. Hai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khu đất 43ha hiện nay cũng đã bị cơ quan điều tra tạm giữ.

Việc khu đất 43ha là vật chứng của vụ án hình sự, dự án chưa biết khi nào mới có thể triển khai khiến nhiều khách hàng đã chuyển tiền vào Công ty Tân Phú như ngồi trên đống lửa.

Kim Oanh Group huy động vốn trái phép hàng trăm tỷ đồng sau khi thâu tóm 43ha đất công ảnh 2

Bảng thông báo của Kim Oanh Group

Việc tổ chức hoạt động kinh doanh khi chưa đủ điều kiện xảy ra tại hầu hết dự án của Kim Oanh Group trong thời gian qua. Hệ lụy là nhiều dự án của Kim Oanh bán cho khách hàng nhưng không ra được sổ, dẫn đến những khiếu nại, tranh chấp kéo dài giữa doanh nghiệp này với khách hàng.

Trước đó, Kim Oanh Group cũng từng táo tợn phân lô hơn 7.500m2 đất công trong Khu dân cư Mỹ Phước 4 (TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương), rồi lừa bán cho nhiều khách hàng. Phát hiện sự việc, UBND TX.Bến Cát đã xử phạt Kim Oanh Group 118 triệu đồng, buộc trả lại hiện trạng đất và nộp lại hơn 6,6 tỷ đồng đã thu lợi bất chính.

Khách hàng đối mặt rủi ro mất tài sản

Chia sẻ với phóng viên liên quan đến việc giao dịch tại khu đất 43ha của Kim Oanh Group, Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, việc mua bán nhà, đất hiện nay phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... Theo đó các dự án bất động sản phải hoàn thiện các thủ tục pháp lý mới đủ điều kiện huy động vốn.

Tuy nhiên nhiều chủ đầu tư vẫn bất chấp bán hàng, huy động vốn trái phép, lách luật dưới nhiều hình thức như Hợp đồng góp vốn, Hợp đồng đặt cọc,… việc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho khách hàng đã lỡ xuống tiền tại các dự án chưa hoàn thiện về pháp lý.

Liên quan vụ án trên, theo quy định, khu đất công 43ha hiện là vật chứng của vụ án hình sự đang được các cơ quan tiến hành điều tra xử lý theo quy định. Theo đó, các cơ quan tổ chức có thẩm quyền quản lý Nhà nước sẽ quản lý vật chứng này và xử lý sau khi có kết luận điều tra cũng như đưa vụ án ra xét xử theo quy định.

Kim Oanh Group huy động vốn trái phép hàng trăm tỷ đồng sau khi thâu tóm 43ha đất công ảnh 3
Khu đất 43ha nằm ở mặt tiền 2 tuyến đường lớn nhất nhì TP.Thủ Dầu Một.

Khách hàng hiện đối mặt nhiều rủi ro phụ thuộc vào quá trình giải quyết của các cơ quan chức năng và thiện chí của chủ đầu tư, với việc “góp vốn” vào dự án, các khách hàng cũng là một bên có liên quan trong vụ án này, do đó các khách hàng hiện nay nên liên hệ chủ đầu tư để được giải quyết theo các thỏa thuận đã ký kết, trường hợp chủ đầu tư không giải quyết thì khách hàng nên liên hệ cơ quan đang điều tra vụ án cung cấp hồ sơ, tài liệu để chứng minh là đối tượng có quyền và nghĩa vụ liên quan đến dự án.

Trong quá trình điều tra, xét xử, quyền lợi khách hàng có thể được pháp luật bảo vệ nếu các giao dịch đó phù hợp trong một số quy định của pháp luật. Nếu việc giao dịch hoàn toàn trái pháp luật thì khách hàng có rủi ro mất tài sản này.

“Đây cũng sẽ một là bài học cho những người giao dịch tài sản là bất động sản có giá trị lớn nhưng không tìm hiểu kỹ về pháp lý dự án xem đã đủ điều kiện huy động vốn hay chưa trước khi quyết định đầu tư”, Luật sư Trần Minh Cường cho biết thêm.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).