Theo dữ liệu chính thức mới được Cơ quan thống kê và huy động công trung ương Ai Cập (CAPMAS) công bố, tỷ lệ lạm phát hằng năm chính thức của nước này đã nhảy vọt lên 31,9% trong tháng 2, tăng mạnh từ mức 25,8% trong tháng trước đó và là mức cao nhất trong 5,5 năm qua.
Lạm phát tại Ai Cập tăng mạnh sau một loạt đợt phá giá tiền tệ bắt đầu từ tháng 3 năm ngoái trong bối cảnh thiếu hụt ngoại tệ kéo dài và hàng nhập khẩu tồn đọng tại các cảng. Hiện đồng bảng Ai Cập đã mất gần một nửa giá trị so với thời điểm trước khi phá giá tiền tệ.
Lạm phát tăng mạnh đang gây áp lực lớn lên việc điều hành chính sách tiền tệ của Ủy ban chính sách thuộc Ngân hàng Trung ương Ai Cập trong cuộc họp sắp tới vào ngày 30/3. Trong cuộc họp chính sách tiền tệ gần nhất vào ngày 2/2, Ngân hàng Trung ương Ai Cập quyết định giữ lãi suất cho vay ở mức 17,25% và lãi suất tiền gửi ở 16,25%.
Trước những khó khăn do lạm phát phi mã, Chính phủ Ai Cập đã tuyên bố sẵn sàng cung cấp các “gói hỗ trợ” mới cho người dân. Thủ tướng Mostafa Madbouly nói rõ gói hỗ trợ xã hội do Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi công bố gần đây có quy mô “lớn nhất trong lịch sử” của đất nước “Kim tự tháp”. Theo đó, chính phủ sẽ tăng lương cơ sở tối thiểu 1.000 bảng Ai Cập cho khu vực nhà nước và tư nhân, đồng thời tăng 15% tiền lương hưu kể từ tháng 4 tới. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ nâng mức miễn thuế và trợ cấp thu nhập hàng năm từ 24.000 lên 30.000 bảng Ai Cập.
Nền kinh tế Ai Cập chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột tại Ukraine khi bị các nhà đầu tư toàn cầu rút hơn 20 tỷ USD ra khỏi thị trường. Cuộc xung đột cũng đã khiến giá lúa mỳ leo thang, tác động tiêu cực đến Ai Cập vốn là một trong những nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Không chỉ giá lúa mỳ, giá cả nhiều mặt hàng khác và năng lượng leo thang cũng đã gây áp lực lên nguồn dự trữ ngoại hối của quốc gia Bắc Phi này.