Tại phiên thẩm vấn, các luật sư đã đặt nhiều câu hỏi nhằm làm rõ vai trò của các bị cáo, làm rõ những điều kiện “cần và đủ” để hoàn tất việc MobiFone mua AVG.
Trong thương vụ MobiFone mua AVG, điều kiện đầu tiên bắt buộc phải có là Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone (thể hiện tại Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 do Trương Minh Tuấn ký). Sau khi có Quyết định 236, điều kiện tiếp theo phải có là đại diện MobiFone ký Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG (do Lê Nam Trà ký ngày 25/12/2015). Đây là hai điều kiện “cần và đủ” bắt buộc phải có thì việc chuyển nhượng cổ phần mới hoàn tất, việc thanh toán tiền mua AVG mới được triển khai và như vậy thương vụ mới diễn ra trót lọt.
Quang cảnh phiên tòa sáng 18/12. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Đối với Quyết định 236, mặc dù Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) trực tiếp chỉnh sửa, duyệt nội dung dự thảo Quyết định, nhưng lại không ký mà chỉ đạo bị cáo Trương Minh Tuấn (khi đó là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) ký.
Tại phiên tòa, khi được hỏi về việc tại sao không trực tiếp ký mà lại chỉ đạo cấp phó ký, bị cáo Nguyễn Bắc Son cho rằng đã giao dự án này cho ông Trương Minh Tuấn từ đầu nên việc để bị cáo Tuấn ký là hợp lý.
Tuy nhiên, trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Trương Minh Tuấn khai việc bị cáo ký Quyết định 236 là theo bút phê của bị cáo Nguyễn Bắc Son (khi đó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông). Nếu không có bút phê của Bộ trưởng thì bị cáo sẽ không ký Quyết định 236, bởi bị cáo xác định đây không phải là thẩm quyền của mình, cũng không phải các lĩnh vực mà bị cáo được giao phụ trách. Dự án này không phải là dự án báo chí mà là dự án mua bán giữa hai doanh nghiệp, hơn nữa AVG không hoạt động và tổ chức theo Luật Báo chí mà hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Bị cáo Trương Minh Tuấn cũng khai thêm, không hề có chuyện ngay từ đầu được Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son giao phụ trách thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone. Bị cáo chỉ được Bộ trưởng giao ký công văn gửi Bộ Công an xin ý kiến về việc đưa dự án vào danh sách tài liệu mật và công văn này không liên quan đến việc thực hiện dự án. Bị cáo Trương Minh Tuấn cho rằng, trong dự án này, Bộ trưởng chỉ đạo xuyên suốt.
Bị cáo Trương Minh Tuấn còn khai, bị cáo nhận được yêu cầu ký Quyết định 236 trong lúc đang chủ trì cuộc làm việc khác. Bị cáo Phạm Đình Trọng (Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa tờ trình và kèm theo quyết định sang nói yêu cầu bị cáo ký. Bị cáo dừng họp, đọc nội dung và có thắc mắc tại sao bị cáo phải ký trong khi không phải thẩm quyền của bị cáo. Bị cáo và bị cáo Trọng đã sang gặp Bộ trưởng và hỏi thì Bộ trưởng vẫn yêu cầu bị cáo ký. Tại Quyết định 236, bị cáo Tuấn không sửa lại bất kỳ nội dung gì. Bị cáo Trương Minh Tuấn cũng nhận thức được rõ trách nhiệm của mình trong việc ký Quyết định 236 và những hậu quả xảy ra sau này, khi Quyết định 236 được thực thi.
Sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông ra Quyết định 236 phê duyệt đầu tư dự án đầu tư dịch vụ truyền hình, giao MobiFone tổ chức thực hiện, ngày 25/12/2015, Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone) đã ký Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa MobiFone với các cổ đông AVG. Việc ký này là do bị cáo Nguyễn Bắc Son yêu cầu Lê Nam Trà ký tại buổi liên hoan tổng kết cuối năm 2015 của MobiFone. Bị cáo Trà khai, việc ký Thỏa thuận và Hợp đồng này không có trong kế hoạch công tác tuần của MobiFone. Khi Lê Nam Trà ký Thỏa thuận và Hợp đồng thì chưa có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo thực hiện.
Luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Điều đáng nói, trước đó, Hội đồng thành viên MobiFone đã họp và ra Quyết nghị giao cho Cao Duy Hải (nguyên Tổng Giám đốc MobiFone) thay mặt MobiFone ký bản Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng này. Tuy nhiên, Cao Duy Hải đã từ chối, không ký.
Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Lê Nam Trà) đặt câu hỏi với bị cáo Cao Duy Hải về việc tại sao không ký Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng, bị cáo Cao Duy Hải trả lời: “Bị cáo thấy băn khoăn vì nhiều vấn đề chưa chuẩn bị kỹ nên không ký”.
Sau khi Cao Duy Hải không ký, Lê Nam Trà đã bị Nguyễn Bắc Son yêu cầu ký ngay sau buổi tổng kết ngày 25/12/2015. Khi được luật sư hỏi về việc tại sao Lê Nam Trà lại ký Thỏa thuận và Hợp đồng này, bị cáo Trà cho biết, bị cáo được giao là người đại diện theo pháp luật của MobiFone tại văn bản 1524 ngày 14/9/2015 do Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son ký (thời điểm đó, MobiFone có 2 người đại diện theo pháp luật là Cao Duy Hải và Lê Nam Trà). Tại buổi liên hoan tổng kết cuối năm của MobiFone ngày 25/12/2015, Lê Nam Trà bất ngờ bị bị cáo Nguyễn Bắc Son bắt ký thay mặc dù bị cáo Trà không phải là người được Hội đồng thành viên MobiFone giao cho ký.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, việc tính toán cụ thể hiệu quả dự án do Ban Tổng Giám đốc chỉ đạo các Ban chuyên môn thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông là MobiFone phải mua được AVG. Đối với dự án mua 95% cổ phần AVG từ khâu ra chủ trương, đến việc lập dự án, đánh giá đề xuất lên Bộ Thông tin và Truyền thông, khâu thẩm định dự án và cuối cùng là khâu quyết định thực hiện dự án có sự tham gia của rất nhiều người tại MobiFone cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị tư vấn. Do đó, dự án xác định là có sai phạm thì tất cả những người tham gia ở các khâu đều có sai phạm…
Chiều 18/12, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn của các luật sư đối với các bị cáo.