Lan man về những clip từ thiện!

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Câu chuyện vận động từ thiện hỗ trợ đồng bào miền Trung hay bà con vùng dịch với ngàn vạn lời ca tụng lẫn trách móc nghi ngờ làm chúng ta phải nhiều lần suy ngẫm!
Nhà báo Trần Tây Côn
Nhà báo Trần Tây Côn

1/ Dân tộc Việt tốt bụng lắm! Dù giàu sang hay đói khổ, hễ ở đâu kêu gọi là ở đó có hồi đáp. Đôi lời vận động từ các cơ quan công quyền hay từ một người xa lạ chỉ biết mặt biết tên qua màn ảnh nhỏ, những dòng trạng thái trên mạng xã hội là sẵn sàng đóng góp một phần gia sản của bản thân để tương trợ “bầu bí” qua cơn khốn khó.

Con số hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng mà truyền thông chính thống từng công bố trước đấy hay những phần tiền chưa kiểm chứng đang lan truyền trên mạng xã hội ủng hộ bà con lũ lụt miền Trung, người nghèo vùng dịch là minh chứng rõ nhất cho tấm lòng mênh mông rộng lớn không thể nào đo đếm được của đồng bào.

Từ thiện là từ tâm, là cho đi, là san sẻ một phần những gì mình có để mong những phận đời cơ cực bất hạnh trong xã hội sớm vượt qua vất vả, gian nan, mất mát để trở về với cuộc sống thường nhật mà không cần báo đáp.

Người xưa khái quát bằng câu “của cho không bằng cách cho”, cho là quý nhưng cho đi để mưu cầu một điều gì đó riêng tư thì chẳng phải thật tâm, chẳng phải tấc lòng.

2/ Hẳn chúng ta chưa quên những ồn ào liên quan đến một nam MC điển trai khi vận động từ thiện vào năm 2016. Mặc dù nam MC đã lên tiếng xin lỗi nhưng ở đâu đó giữa xã hội này vẫn vọng lên những tiếng chửi thầm buốt tận tâm can.

Hay gần đây là hình ảnh cô ca sĩ đội nón lá, xắn quần, lội nước vào thẳng vùng lũ miền Trung, cùng ekip mang theo nhiều vật phẩm gồm mì gói, bánh ngọt, nước sạch, dầu gió... và cả tiền mặt trao tặng bà con đang màn trời chiếu đất.

Trong quá trình rong rủi khắp nơi, cô ca sĩ thì đếm từng đồng giấy bạc, đội ngũ đồng hành người thì sắp xếp, kẻ lo quay phim, chụp hình... Trong cảnh quê bi thương lắm, bà con nghèo khổ, đáng thương vô cùng!

Cô lại livestream cận cảnh gương mặt các cụ ông, cụ bà “thất thập cổ lai hy”, gương mặt hằn lên những cơ cực đang ngồi bệt trên một chiếc dép nhựa, để lại bàn chân trần chờ đợi “cô tiên giáng trần”. “Trôi mất còn có một chiếc thôi hả?”, nhân vật chính hỏi han với giọng vô cùng thương xót.

Và vẫn một kịch bản cũ, sau những ngợi khen về tấm lòng bồ tát là những lùm xùm quanh câu chuyện minh bạch tiền từ thiện.

Hay Phó Giám đốc một công ty giải trí có tiếng ở TP.HCM với hàng triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội được ca tụng là con người tài giỏi, bản lĩnh và có tấm lòng nhân ái. Giữa lúc các tỉnh miền Nam ngập tràn dịch bệnh, tấm gương yêu thương đồng bào của anh lại “toả sáng” trên cộng đồng mạng.

Trong một clip mới đây do chính ekip của anh ghi lại, không hiểu anh đã để cái tấc lòng ở đâu sau khi gửi tặng một cụ bà 76 tuổi dưới gầm cầu một triệu đồng tiền mặt nhưng lại lèm bèm khó chịu kèm theo một ánh mắt sắc lẹm, vô tình?! Chỉ vì cụ trót nói gì đó không lọt tai anh!

Tôi còn thấy trên ngực áo anh sau lớp bảo hộ lộ ra thiết bị ghi âm thu nhỏ. Tôi không hiểu tại sao từ thiện lại phải chuẩn bị nhiều thiết bị kỹ thuật đến thế? Tôi đoán là để ghi lại những khoảnh khắc trung thực nhất về nỗi vất vả của bà con cho cộng đồng được rõ?!

Và tôi cũng thấy trên Facebook cá nhân của vị Phó Giám đốc này hàng chục video cho tiền như vậy!

Còn nhiều lắm những bài viết vận động đồng bào quyên góp đăng kèm những thước phim và hình ảnh phát cơm, tặng tiền, áo quan... rất sắc nét, chỉnh chu từ những cá nhân được cho là người nổi tiếng. Và đằng sau ấy là những lùm xùm “sao kê”!

3/ “Của cho không bằng cách cho” - Câu nói ấy mãi mãi giữ nguyên giá trị. Cho đi một món quà, đừng chỉ chú ý đến giá trị vật chất mà cần hơn cả là tấm lòng. Thứ cho đi có thể chẳng đáng là bao nhưng nếu là sự chân thành thì vật kém giá trị cũng trở nên quý giá!

Cụ Nhung 100 tuổi ở Nghệ An khi nghe loa phát thanh thông báo về việc ủng hộ quỹ phòng chống dịch của địa phương đã chống gậy lên trụ sở chính quyền xã ủng hộ 50.000 đồng là số tiền mà cụ dành dụm được.

Hay cụ Năm 84 tuổi, hộ nghèo ở Quảng Nam xem trong điện thoại thấy bà con cả nước quay quắt bởi dịch bệnh đã mang ít tiền nhờ con cháu chở đến khu cách ly địa phương đóng góp chút tình cảm. “Tấm lòng mình không gửi được ở Sài Gòn thì mình gửi cho anh em ở đây, ít thôi, nhỏ như giọt nước, mấy anh mấy em dùng điếu thuốc cũng được”.

Việc làm của các cụ không cần quay phim, không cần chụp ảnh lại chẳng cần livestream để mọi người biết. Tấm lòng tốt đẹp ấy đến với cộng đồng một cách rất tự nhiên, như một lẽ thường của cuộc sống, của con dân nước Việt. Tiếng lành đồn xa! Các cụ cho đi không cần báo đáp!

4/ Đứng trước sự khốn khó của đồng bào, người giàu kẻ nghèo đều có cơ hội trở nên giàu đích thực mà không phải là tiền bạc của cải hay danh vọng. Họ chỉ có vỏn vẹn một tấm lòng yêu thương!

Và khi một việc hết sức bình thường xuất phát từ tâm qua tay một số người nổi tiếng lại trở nên bất thường, phức tạp thì quả thật có nhiều điều phải suy nghĩ?!

Từ thiện mà thiếu thật tâm thì há chỉ là lợi dụng để đánh bóng tên tuổi. Cho đi vì miễn cưỡng phải làm, vì thương hại rồi tiếc nuối, hồ nghi.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).