Trong buổi làm việc với tỉnh Bắc Ninh mới đây, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã biểu dương những kết quả mà tỉnh đạt được trong lĩnh vực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó có việc thực hiện tang lễ theo nếp sống mới văn minh, tiết kiệm.
Nhóm đầu cả nước về vận động hỏa táng
Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương phát động, từ năm 2011, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh khóa 17 đã ra Nghị quyết số 20, 22 về “Quy định một số điều về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”.
Mục tiêu của Nghị quyết số 20, 22 là tạo ra tác động tích cực trong đời sống xã hội, từng bước loại bỏ các hủ tục đã tồn tại từ nhiều đời nay tại địa phương, trong đó có việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang.
Ban Dân vận Tỉnh ủy hướng dẫn Ban Dân vận các huyện, thị xã, thành phố, Mặt trận Tổ quốc các xã, phường, thị trấn và tổ dân vận ở khu dân cư… đăng ký, cụ thể hóa triển khai tuyên truyền, vận động và đã có hơn 470 khu dân cư đăng ký mô hình. Mô hình được triển khai theo quy trình “4 khéo” - giảm các hủ tục; tiết kiệm chi tiêu; hỏa táng người chết để đảm bảo vệ sinh môi trường; xây mộ đúng quy cách trong nghĩa trang được quy hoạch.
Các Tổ Dân vận phối hợp với Ban Công tác Mặt trận, các chi hội người cao tuổi, phụ nữ, cựu chiến binh, chi đoàn thanh niên quán triệt nhiệm vụ gương mẫu, đi đầu tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân về ý nghĩa, nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Các thôn, tổ dân phố ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bổ sung vào quy ước việc thực hiện nếp sống văn minh trong tang lễ. Cụ thể là vận động bà con không dùng cơm tại gia tang; gia tang bỏ hủ tục thuê người khóc mướn, làm trò, lăn đường, luồn cữu, đội cầu; không phúng viếng bằng lễ chín; không để người chết quá 36 giờ trong nhà…
Trước đây, mỗi đám tang trung bình chi phí hết khoảng 100 triệu đồng, nay đã giảm được một nửa, thậm chí 2/3 (do giảm chi phí làm cỗ; bỏ mời thuốc lá; thay đội kèn bằng mở băng nhạc hiếu; luân chuyển vòng hoa - mỗi đám tang không vượt quá 15 vòng hoa).
Các địa phương vận động người dân hỏa táng người chết để giữ vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước và chỉ chôn cất một lần, không sang cát, cải táng; xây mộ đúng quy cách trong nghĩa trang đã được quy hoạch (diện tích một ngôi mộ không quá 1,5m2, các dãy cách nhau 0,7m, các mộ cách nhau 0,5m)
Bắc Ninh có mức hỗ trợ điện táng, hỏa táng cao, thuộc tốp đầu cả nước. Nhờ đó, số gia đình có người thân qua đời chọn hình thức tang lễ văn minh, tiết kiệm đạt 64,4%.
Nhường đất cho con cháu canh tác
Phong trào vận động các cụ già đồng ý hỏa táng sau khi về với tổ tiên, khuyên con cháu tổ chức tang lễ tiết kiệm, không đua nhau xây mộ cho bố mẹ, ông bà hoành tráng để nhường đất cho con cháu canh tác… được thực hiện rất thành công ở xã Mão Điền (thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nhờ phương châm “dân vận khéo”.
Mão Điền là vùng đất thuần nông đất chật, người đông. Với gần 16.000 nhân khẩu trên dải đất chỉ rộng 4,3 km2, xã có diện tích đất canh tác tính bình quân chỉ đạt 240 m2/nhân khẩu, rất khó để người dân làm giàu bằng chăn nuôi, trồng trọt.
Người dân ở Mão Điền cũng như tại nhiều địa phương khác ở Bắc Ninh - vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa - rất coi trọng tập tục, lề lối do cha ông để lại. Cách thức, quy mô đám tang cho ông bà, bố mẹ được dân làng coi là thước đo chữ hiếu của con cháu. Vì thế, tang lễ ở đây kéo dài nhiều ngày và lắm lệ tục tốn kém. Khu lăng mộ cho người chết của gia tộc, dòng họ càng hoành tráng càng là niềm tự hào của người sống.
Mỗi năm trung bình xã có khoảng 70 cụ già “trăm tuổi”. Điều đó đồng nghĩa với việc quỹ đất để làm nghĩa trang là rất lớn so với diện tích của xã. Địa phương đã cắt hai khu ruộng rộng 10.000 m2 làm nơi “an cư” cho người cõi âm.
Thực hiện Nghị quyết số 20, 22 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh về “Quy định một số điều về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”, Ủy ban nhân dân huyện Thuận Thành (sau này là thị xã Thuận Thành) đã tích cực vận động các gia tang thực hiện hóa táng cho người thân, tổ chức tang lễ tiết kiệm, không xây lăng mộ lớn.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mão Điền Nguyễn Huy Anh cho biết: Từ nhiều năm nay, Đảng ủy và chính quyền địa phương không chỉ có chính sách cụ thể hỗ trợ gia đình người mất thực hiện hỏa táng mà còn thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã, cử cán bộ đến từng nhà vận động, tuyên truyền trực tiếp.
Nhận được tin gia đình nào có người mất, đại diện Đảng ủy, chính quyền xã, khu dân cư đã đến nhà để thăm hỏi, chia buồn với tang quyến, đồng thời tuyên truyền, vận động gia đình thực hiện nếp sống văn minh trong việc lo hậu sự cho người đã mất bằng phương thức hỏa táng. Từ hai năm nay, ở xã Mão Điền, 100% những người “khuất núi” đều được hỏa táng và mỗi đám tang chỉ tốn khoảng 30 - 50 triệu đồng, thay cho 100 triệu đồng như trước kia, chấm dứt hoàn toàn việc cải táng.