Lãnh đạo Nga-Trung-Ấn thảo luận các vấn đề an ninh

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Hội nghị thượng đỉnh thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sẽ diễn ra trong tuần này với Ấn Độ là nước chủ nhà. Mọi sự chú ý được đổ dồn về Tổng thống Nga Vladimir Putin, người sẽ xuất hiện lần đầu tiên tại một diễn đàn đa phương kể từ sau vụ binh biến Wagner.
Lãnh đạo Nga-Trung-Ấn thảo luận các vấn đề an ninh

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến cũng sẽ phát biểu trước 8 lãnh đạo thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Bắc Kinh và New Delhi đang ngày càng căng thẳng.

Hai cường quốc hạt nhân này vẫn tồn tại mâu thuẫn về biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya và chỉ cuối tuần trước, Ấn Độ đã đưa ra lập trường mạnh mẽ hơn chống lại các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Về phần Tổng thống Nga, các chuyên gia cho rằng ông Putin sẽ tìm cách tái lập hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ sau cuộc binh biến xảy ra cách đây 2 tuần.

Giáo sư Pankaj Jha từ Đại học Toàn cầu O.P. Jindal của Ấn Độ, dự đoán rằng Putin "sẽ cố gắng thể hiện một bộ mặt dũng cảm", đồng thời cho biết thêm rằng nhà lãnh đạo Nga cũng sẽ cố gắng thu hút sự ủng hộ cho các mục tiêu của mình ở Ukraine.

Tổ chức SCO do Trung Quốc thành lập tại Thượng Hải vào năm 2001 cùng với Nga và các nước Trung Á Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Vào năm 2017, cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố gia nhập SCO nhằm chống lại ảnh hưởng của phương Tây trong khu vực. Iran dự kiến sẽ tham gia khối này tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại New Delhi.

Vào thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Putin đã thông báo cho Thủ tướng Ấn Độ Modi về tình hình nội bộ của Nga.

"Liên quan đến các sự kiện ngày 24/6, Thủ tướng Narendra Modi bày tỏ sự hiểu biết và ủng hộ các hành động kiên quyết của giới lãnh đạo Nga để bảo vệ luật pháp và trật tự cũng như đảm bảo sự ổn định trong nước và an ninh của người dân", Điện Kremlin tuyên bố.

Trong khi đó, sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ. Phía Trung Quốc dường như không hài lòng với quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến thay vì trực tiếp của Ấn Độ, với việc truyền thông nhà nước ám chỉ rằng New Delhi đang tỏ ra lạnh nhạt với SCO.

Ngược lại, ông Tập năm ngoái đã tham dự hội nghị thượng đỉnh SCO ở Uzbekistan, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung QUốc kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19.

Một bài xã luận được đăng tải trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng ngay cả khi Ấn Độ tỏ ra lạnh nhạt với SCO hoặc hành động như một trở ngại trong một số vấn đề nhất định, "Trung Quốc và các thành viên khác có thể đơn giản loại trừ Ấn Độ khỏi sự hợp tác".

Cuối tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc SCO đóng vai trò lớn hơn trong việc "bảo vệ an ninh khu vực" và thúc đẩy phát triển trong một thế giới đầy bất ổn.

Thế nhưng, nhiều nhà phân tích cho rằng việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh SCO bằng hình thức trực tuyến lại là phương án tốt nhất cho các nhà lãnh đạo.

Mặc dù chính quyền Bắc Kinh coi cuộc nổi dậy của tập đoàn quân sự Wagner là "công việc nội bộ" của Nga, nhưng ông Tập có thể không muốn hiện diện trực tiếp bên cạnh Tổng thống Nga, ngay sau khi quyền lực của ông Putin bị thách thức nghiêm trọng.

Tổ chức hội nghị trực tuyến cũng cho phép Modi tránh được những khó xử có thể xảy ra.

Ấn Độ duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga, vốn là nhà cung cấp hầu hết các thiết bị quốc phòng của nước này. Phía New Delhi đã kiềm chế không lên án chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, thay vào đó kêu gọi đối thoại và ngoại giao.

Nhưng ông Modi có thể không muốn bắt tay hoặc ôm ông Putin, chỉ vài tuần sau khi thực hiện thành công chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ.

Bên cạnh yếu tố Nga, hiện Ấn Độ và Trung Quốc đang vướng vào một cuộc đối đầu biên giới ở khu vực Đông Ladakh, nơi quân đội hai bên xảy ra đụng độ chết người trong năm 2020.

Tiếp sau đó là những căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, hai cường quốc hạt nhân từ lâu đã mâu thuẫn về quyền kiểm soát Kashmir.

Nhà ngoại giao kỳ cựu người Ấn Độ Yogesh Gupta cho biết SCO "đã bị hạn chế bởi sự khác biệt giữa các thành viên. Trung Quốc đang thúc đẩy nhiều hơn cho một trật tự toàn cầu do Bắc Kinh lãnh đạo, trong khi Ấn Độ thích một thế giới đa cực".

Theo Nikkei Asia
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.