13h chiều 7/10 mới bắt đầu lễ an táng nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, nhưng một tiếng trước đó dọc hai con đường vào xã Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội), người dân đứng kín chờ linh xa chở ông về yên nghỉ tại quê nhà.
Đội thanh niên tình nguyện mang theo di ảnh, những tấm hình chụp khi ông về quê, thăm hỏi, nói chuyện với thanh niên, các cụ già trong xã. Hà Nội tiết trời thu, nắng hơn 30 độ C, nhiều người nhễ nhại mồ hôi song vẫn kiên nhẫn chờ tiễn đưa người con ưu tú của làng quê Đông Mỹ.
Người dân đứng hai bên đường dẫn vào khu mộ ở thôn 1, xã Đông Mỹ, chờ đón linh xa của cố Tổng bí thư Đỗ Mười. Ảnh: Ngọc Thành |
Trên khu mộ cố Tổng bí thư rộng 1.100 m2 ở thôn 1 xã Đông Mỹ, chính quyền dựng một rạp lớn cùng ban thờ, di ảnh và những vòng hoa chờ đón ông.
Gần trưa, đoàn xe chở linh cữu cố Tổng bí thư Đỗ Mười về đến quê nhà. Di hài ông được đội tiêu binh chuyển khỏi linh xa, đặt ngay ngăn phía trước ban thờ. Người dân khắp nơi đổ về khu mộ theo dõi lễ an táng. Ban tổ chức đề nghị bà con đứng cách vị trí huyệt mộ khoảng 100 m.
Linh cữu cố Tổng bí thư được đặt ngay ngắn trước ban thờ, hai bên có đội tiêu binh đứng canh gác. Ảnh: Ngọc Thành |
12h50, đội tiêu binh trong trang phục trắng di chuyển vòng hoa, cuộn lá Quốc kỳ phủ trên linh cữu. Chia làm hai hàng, các chiến sĩ tiêu binh từ từ nâng linh cữu lên, quay đầu và di chuyển về phía huyệt mộ trong tiếng kèn bài Hồn tử sĩ.
13h, thay mặt Ban tổ chức tang lễ, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tuyên bố: “Sau khi làm lễ truy điệu tại nhà tang lễ quốc gia Trần Thánh Tông, Hà Nội, chúng ta có mặt tại đây để làm lễ an táng cố Tổng bí thư Đỗ Mười”.
Trong tiếng chuông, tiếng gõ mõ của các nhà sư, 24 chiến sĩ tiêu binh từ từ đưa linh cữu gắn dấu Quốc huy xuống huyệt mộ. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng gia quyến dõi theo di hài cố Tổng bí thư trở về với đất mẹ.
Đội tiêu binh di chuyển linh cữu tới huyệt mộ. Ảnh: Ngọc Thành |
Dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thả nắm đất và những cánh hoa cúc đầu tiên xuống huyệt mộ. Phía sau ông là Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan...
Đội tiêu binh lấp mộ và mang vòng hoa xếp kín xung quanh. Gia quyến và hàng trăm người dân hướng ánh mắt dõi theo, nhiều người chắp tay bái biệt cố Tổng bí thư. Sau khi việc lấp mộ hoàn tất, trong tiếng nhạc buồn, tất cả những người có mặt dành một phút mặc niệm cố Tổng bí thư.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rắc nắm đất xuống huyệt mộ. Ảnh: Ngọc Thành |
13h30, lễ an táng kết thúc. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu cảm ơn, nêu rõ những ngày Quốc tang cố Tổng bí thư Đỗ Mười, Ban tổ chức tang lễ đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế. Đến nay, Ban tổ chức đã hoàn thành đưa cố Tổng bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê nhà.
“Cầu chúc hương hồn đồng chí Đỗ Mười yên nghỉ cõi vĩnh hằng. Xin vĩnh biệt đồng chí”, ông Trương Hòa Bình nói.
Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười từ trần hồi 23h12 ngày 1/10, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hai ngày Quốc tang 6-7/10, hơn 1.600 đoàn với 60.000 người đã tới viếng, trong đó có hơn 100 đoàn ngoại giao, ba đoàn lãnh đạo cấp cao của Lào, Campuchia, Cuba.
Cố Tổng bí thư tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917, quê ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Được tôi luyện qua các cuộc kháng chiến cứu nước, các giai đoạn xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, ông đã nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo như: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tổng bí thư (6/1991-12/1997).