Sáng 11/12, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11-12/12 năm 2023 theo nghi thức dành cho Người đứng đầu Chính phủ nước ngoài thăm chính thức Việt Nam.
Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Hun Manet trên cương vị mới, góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Campuchia-Việt Nam.
Trong không khí chân tình, Thủ tướng Phạm Minh Chính mừng đón Thủ tướng Campuchia Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet trong cái ôm, bắt tay nồng ấm.
Các cháu học sinh Thủ đô Hà Nội gửi tới Thủ tướng Campuchia bó hoa tươi thắm.
Hai Thủ tướng bước trên thảm đỏ trong tiếng vẫy chào của các em học sinh với cờ hoa rực rỡ trên tay. Khi hai nhà Lãnh đạo bước lên bục danh dự, Quốc thiều hai nước được cử lên.
Trong không khí trang nghiêm, hai Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia cùng bước tới chào Quốc kỳ hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mời Thủ tướng Hun Manet duyệt Đội Danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Hai Thủ tướng giới thiệu cho nhau các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao hai nước dự Lễ đón; cùng chứng kiến diễu binh chào mừng của Đội Danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau Lễ đón, hai Thủ tướng di chuyển tới Trụ sở Chính phủ để tiến hành hội đàm.
Trước khi hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet cùng tham quan trưng bày ảnh về đất nước, con người và quan hệ tốt đẹp Việt Nam-Campuchia do Văn phòng Chính phủ phối hợp với TTXVN thực hiện.
Theo chương trình thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Campuchia sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với Lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam để rà soát kết quả hợp tác và thảo luận để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-Campuchia trong thời gian tới ngày càng sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Cùng với đó, Thủ tướng Campuchia Hun Manet sẽ cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính giao lưu với sinh viên Việt Nam và dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia.
Sau 56 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhất là gần 20 năm quan hệ "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Hai bên duy trì thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là trao đổi, tiếp xúc cấp cao; quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước ngày càng sôi động, hiệu quả; giao lưu nhân dân, nhất là tại các tỉnh biên giới diễn ra sôi nổi và rộng khắp, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước.
Hợp tác quốc phòng, an ninh, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, giao thông vận tải giữa hai nước được tăng cường.
Việt Nam-Campuchia cùng ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh chóng và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia đạt 10,57 tỷ USD, tăng khoảng 10,88% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN.
Đến nay, Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia, đồng thời đứng thứ hai trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư.
Trên đà phát triển quan hệ tốt đẹp đó, hai bên mong muốn tiếp tục phát huy các thành quả đạt được, tăng cường quan hệ chặt chẽ và mở rộng hợp tác hơn nữa trên các lĩnh vực, triển khai sâu sát các nội dung hai bên đã thỏa thuận nhằm góp phần thiết thực vào việc củng cố và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước.
Đặc biệt, hai bên mong muốn đẩy mạnh hợp tác, kết nối hai nền kinh tế, góp phần hỗ trợ nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn liền với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp hai nước, nhất là trong các lĩnh vực như thương mại biên giới, hợp tác phát triển kinh tế khu vực giáp biên, hiện thực hóa ý tưởng hợp tác du lịch "một hành trình, ba điểm đến" giữa Campuchia, Lào và Việt Nam...