Lễ nhậm chức trăm triệu đô của tổng thống Mỹ

(Ngày Nay) - Lễ nhậm chức tổng thống Mỹ, diễn ra 4 năm một lần, có thể tiêu tốn hàng trăm triệu USD nhưng lợi ích nó đem lại cũng vô cùng lớn.
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong lễ tuyên thệ nhậm chức năm 2009. Ảnh: Washington Post
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong lễ tuyên thệ nhậm chức năm 2009. Ảnh: Washington Post

Nghi lễ chuyển giao quyền lực trong hòa bình giữa các đời tổng thống Mỹ có chi phí khổng lồ. Theo Washington Post, cộng tổng các khoản, lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump năm nay, diễn ra vào ngày 20/1, sẽ tiêu tốn từ 175 đến 200 triệu USD, bao gồm các buổi tiệc và bữa tối chính thức, sự kiện hòa nhạc, lễ tuyên thệ tại trụ sở Quốc hội, lễ diễu hành, tiệc khiêu vũ cùng chi phí an ninh. Trong đó, 70 triệu USD đến từ những nhà ủng hộ tư nhân do ông Trump vận động, số còn lại trích từ ngân sách chính phủ.

Lễ nhậm chức tổng thống Mỹ diễn ra 4 năm một lần và lần nào cũng thu hút nhiều ý kiến chỉ trích từ các nhà phê bình vì họ cho rằng hoạt động này quá gây lãng phí. Tuy nhiên, từ trước tới nay, chi phí tổ chức lễ nhậm chức tổng thống Mỹ đối với cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ đa phần đều xấp xỉ nhau, sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát, bình luận viên Roxanne Roberts từ Washington Post cho hay.

Hai bộ phận đứng ra chi trả các hóa đơn là Ủy ban Nhậm chức Tổng thống và chính quyền liên bang.

Ủy ban chịu trách nhiệm tất cả các khoản liên quan tới lễ tuyên thệ nhậm chức. Các sự kiện chính diễn ra trong lần này gồm một bữa tối dưới ánh nến với tổng thống và phó tổng thống đắc cử, một bữa trưa cùng những ứng viên Nội các, một buổi hòa nhạc và tiệc khiêu vũ khai mạc.

Theo Boris Epshteyn, người phát ngôn Ủy ban Nhậm chức Tổng thống của ông Trump, những nhà vận động hành lang đã đăng ký không được phép quyên góp tiền cho lễ nhậm chức nhưng các tổ chức, doanh nghiệp có thể ủng hộ tối đa một triệu USD. Cá nhân không bị giới hạn số tiền ủng hộ song tên của những mạnh thường quân ủng hộ hơn 200 USD đều phải gửi về Ủy ban Bầu cử Liên bang 90 ngày sau lễ nhậm chức. Tiền thừa, nếu có, sẽ được sử dụng cho mục đích từ thiện.

Hồi năm 2009, ủy ban của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyên góp thành công số tiền kỷ lục là 53 triệu USD dù ông từ chối nhận tiền của những nhà vận động hành lang, công ty hay ủy ban hành động chính trị, đồng thời giới hạn số tiền quyên góp đối với cá nhân là 50.000 USD. Đến năm 2013, sau chiến dịch tranh cử tổng thống đắt đỏ nhất trong lịch sử nước Mỹ, ủy ban của ông Obama quyên được 44 triệu USD và cho phép cá nhân, tổ chức tặng quà với giới hạn là 250.000 USD.

Lễ nhậm chức trăm triệu đô của tổng thống Mỹ ảnh 1Tổng thống Mỹ Bill Clinton đọc diễn văn nhậm chức vào năm 1997. Ảnh: AFIC

Số tiền mà các đời tổng thống đắc cử Mỹ vận động được cho lễ nhậm chức cũng không quá chênh lệch sau khi đã tính toán điều chỉnh lạm phát. Những người ủng hộ tổng thống George W. Bush đã đóng góp khoảng 40 triệu USD và 42 triệu USD cho lễ nhậm chức của ông lần lượt vào các năm 2001 và 2005. Ủy ban nhậm chức của tổng thống Bill Clinton quyên được 33 triệu USD vào năm 1993 và 30 triệu USD vào năm 1997. Trong khi đó, tổng thống George H.W. Bush năm 1989 quyên được 30 triệu USD.

Lễ tuyên thệ vào ngày 20/1 do Ủy ban Hỗn hợp của Quốc hội về Nghi lễ Nhậm chức chịu trách nhiệm tiến hành, có chi phí trên một triệu USD và do chính quyền liên bang chi trả. Số tiền bỏ ra chủ yếu dùng để dựng một sân khấu hoành tráng ở phía tây tòa nhà Quốc hội, đồng thời tổ chức tiệc trưa cho tân tổng thống cùng phó tổng thống (Vé sự kiện ngoài trời đa phần do các thành viên Thượng viện và Hạ viện phân phát, thường dành cho cử tri).

Công đoạn chuẩn bị an ninh, di chuyển, cấp cứu và dọn dẹp là phần ngốn nhiều tiền của nhất. Chính quyền liên bang Mỹ vào năm 2005 và 2009 phải bỏ ra lần lượt 115 triệu USD và 124 triệu USD cho công tác này. Theo New York Times, năm nay, riêng chi phí an ninh bảo vệ lễ nhậm chức của ông Trump đã lên tới 100 triệu USD.

Dù vậy, theo giới chuyên gia, dù chi phí cao, lợi nhuận mà các lễ nhậm chức tổng thống mang lại cho kinh tế địa phương là rất lớn. Lễ nhậm chức năm nay của ông Trump ước tính sẽ mang về cho Washington D.C hàng trăm triệu USD.

Theo Vnexpress
Vingroup phát động chiến dịch 'Vì Thủ đô trong xanh' - Kêu gọi người dân chung tay giảm phát thải
Vingroup phát động chiến dịch 'Vì Thủ đô trong xanh' - Kêu gọi người dân chung tay giảm phát thải
(Ngày Nay) - Tập đoàn Vingroup cùng các công ty trong hệ sinh thái phát động chiến dịch “Vì Thủ đô trong xanh”, kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức về môi trường và chung tay giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô. Với vai trò tiên phong, Vingroup công bố chương trình hành động quyết liệt và cụ thể các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là lĩnh vực giao thông đô thị.
Hạnh phúc là một sự lựa chọn
Hạnh phúc là một sự lựa chọn
(Ngày Nay) - Hạnh phúc không phải là điều hoàn hảo, mà là cách chúng ta đối diện với những khó khăn, đón nhận và trân trọng những điều đơn giản như niềm vui trong cuộc sống hàng ngày.
Thị trường làm đẹp cuối năm - Bài 4: Ớn lạnh dịch vụ tiêm môi bằng máu của chân mày phong thuỷ Viên Viên
Thị trường làm đẹp cuối năm - Bài 4: Ớn lạnh dịch vụ tiêm môi bằng máu của chân mày phong thuỷ Viên Viên
(Ngày Nay) - Hút máu quay ly tâm tạo tế bào gốc rồi tiêm vào các bộ phận như môi, mũi, tai… khách hàng là một dịch vụ lạ lùng mà cho đến nay chưa từng có một đơn vị y tế nào ở Việt Nam được phép thực hiện. Dẫu vậy, một hộ kinh doanh chân mày lại đang cung cấp cho khách hàng dù trước đó đã từng bị tố “lừa đảo”.
VinFast ra mắt dòng sản phẩm Green đặc biệt tối ưu cho kinh doanh dịch vụ vận tải
VinFast ra mắt dòng sản phẩm Green đặc biệt tối ưu cho kinh doanh dịch vụ vận tải
(Ngày Nay) - VinFast công bố dòng ô tô điện Green được thiết kế riêng, đặc biệt tối ưu cho kinh doanh dịch vụ vận tải, gồm 4 mẫu xe thuộc các phân khúc khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Trong đó, có hai mẫu xe hoàn toàn mới, lần đầu tiên ra mắt thị trường là Minio Green - xe cỡ nhỏ đô thị và Limo Green - xe 7 chỗ với 3 hàng ghế thoải mái.