Ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý khu Di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần - chùa Tháp cho biết, nghi lễ rước nước, tế cá là một trong 3 nghi lễ chính của Lễ hội Khai ấn đền Trần bao gồm: Lễ rước kiệu Ngọc Lộ, lễ rước nước, tế cá và nghi lễ Khai ấn.
Nghi lễ rước nước, tế cá có ý nghĩa quan trọng nhằm tri ân công đức tổ nghiệp vương triều nhà Trần xuất thân từ nghề chài lưới đã giúp cho thế hệ con cháu sau này có điều kiện phát triển ngành nông, ngư nghiệp.
Sau các nghi thức linh thiêng được các bậc cao niên thực hiện tại Đền Cố Trạch, đoàn tổ chức rước kiệu ra Giếng cổ, tiến hành nghi thức lấy nước. Đi đầu đoàn rước là đội cờ 40 người gồm có: Cờ hội, cờ Trần triều; tiếp theo là đội múa lân, sư, rồng, phường bát âm.
Theo sau kiệu rước nước, kiệu rước cá là đội đánh bắt cá với trang phục truyền thống và vật dụng mang theo như: vó, lưới, dậm, nơm…; tiếp đến là đội tế nam quan, đội tế nữ quan.
Sau khi lấy nước, đoàn lễ tổ chức đánh cá tại ao thả cá cạnh giếng Rồng, đánh bắt hai loại cá Triều đẩu (cá quả) và Long ngư (cá chép), đựng trong những chiếc thúng sơn đỏ để chuyển đến kiệu Rồng. Đoàn bắt đầu rước nước và rước cá về Đền Thiên Trường thực hiện nghi lễ dâng nước và tế cá. Sau đó, cá sẽ được phóng sinh ở sông Hồng.
Theo ông Trần Huy Chiến, Trưởng từ Đền Trần, rước nước, tế cá là nghi lễ khuyến nông, khuyến ngư, cầu mong mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp lúa nước. Nghi lễ phóng sinh cá ra sông Hồng có ngụ ý tổ tiên nhà Trần xuất thân từ nghề chài lưới nên phải nhân nuôi đàn cá để khai thác lâu dài, không được tận diệt nguồn lợi thiên nhiên.
Ông Nguyễn Hoàng Long (đến từ thành phố Thái Bình) cho biết, năm nào, ông cũng đến Đền Trần để chiêm bái, vãn cảnh đầu năm. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ông được tận mắt xem Lễ rước nước, tế cá. Hoạt động này vừa tái hiện lại lịch sử hào hùng của nhà Trần vừa có ý nghĩa khuyên bảo mọi người không được đánh bắt tận diệt các loại thủy, hải sản.
Theo các tư liệu lịch sử, tổ tiên nhà Trần vốn xuất thân từ nghề chài lưới, xuôi theo sông Hồng xuống đến vùng Thái Bình, Nam Định tìm được đất tốt, lên bờ lấy đất ở thôn Tức Mạc, phủ Thiên Trường (nay thuộc tỉnh Nam Định) làm nơi khởi nghiệp. Từ đó lập lên vương triều nhà Trần với 14 đời vua lừng lẫy chiến tích.
Từ năm 2014, Lễ rước nước, tế cá chính thức được phục dựng. Đây là một nghi lễ nhằm tôn vinh, tưởng nhớ nguồn gốc xuất thân của vương triều nhà Trần; đồng thời cũng là một trong những lễ nghi quan trọng trước khi Lễ hội Khai ấn chính thức diễn ra.
Lễ hội Khai ấn Đền Trần Nam Định năm 2024 được tổ chức từ ngày 20 - 25/2 (từ ngày 11-16 tháng Giêng). Cụ thể: Từ 23 giờ 15 phút ngày 23/2 (ngày 14 tháng Giêng) thực hiện nghi lễ Khai ấn; từ 5 giờ ngày 24/2 (ngày 15 tháng Giêng) tổ chức phát ấn cho người dân tại 3 địa điểm gồm: Nhà Giải vũ, nhà Trưng bày, Đền Trùng Hoa.