Sự khác biệt này là hậu quả của các lệnh cấm vận mà Trung Quốc áp dụng đối với mặt hàng than của Australia.
Trung bình mỗi ngày, các nhà máy của Trung Quốc sử dụng gần 2 triệu tấn than. Do đó những nhà máy này đang phải trả nhiều hơn tới khoảng 2 tỷ USD/tuần so với các nhà máy khác trên thế giới.
Chuyên gia nghiên cứu David Uren thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) đã có bài phân tích về ảnh hưởng của lệnh cấm nhập khẩu than từ đối với kinh tế Trung Quốc, được đăng trên trang của ASPI ngày 14/9/2021.
Việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đối với than Australia bắt đầu từ khoảng tháng 11/2020 đã gây ra một sự biến dạng lớn trên thị trường than toàn cầu.
Sự gián đoạn lớn nhất là đối với than luyện kim. Xuất khẩu của Australia chiếm 58% tổng lượng than luyện kim thương mại qua đường biển toàn cầu, so với tỷ lệ 21% đối với than nhiệt. Trong giai đoạn 2019–2020, lượng than nhập khẩu từ Australia của Trung Quốc chiếm hơn 1/3 lượng than luyện kim cao cấp xuất khẩu của Australia và nước này cũng cung cấp khoảng 55% lượng than luyện kim nhập khẩu của Trung Quốc.
Theo báo cáo kết quả hàng năm của Tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới BHP (Australia), Australia là nhà xuất khẩu than luyện kim qua đường biển lớn nhất. Do đó, lệnh cấm đã gây ra thiệt hại ngay lập tức ở cả Trung Quốc và Australia.
Tháng 12/2020, 46 tàu hàng chở khoảng 5 triệu tấn than của Australia đã bị tắc nghẽn ngoài khơi bờ biển Trung Quốc khi các chủ hàng Trung Quốc cố gắng tìm cách đưa hàng vào bờ và thông quan nhưng không thành công.
Giá than Australia trên thị trường thế giới giảm trong khi giá than bên trong thị trường Trung Quốc tăng vọt, với mức chênh lệch ngay lập tức là 85 USD/tấn. Các nhà cung cấp từ Mỹ và Canada có truyền thống bán than vào châu Âu đã chuyển sang Trung Quốc, nơi có thể giúp họ tăng gấp đôi lợi nhuận, trong khi các nhà máy châu Âu chuyển sang nhập than từ Australia, nơi họ có thể có được nguồn cung chất lượng giá rẻ.
Giới chức Trung Quốc cho rằng tổn thất từ nguồn than của Australia sẽ được bù đắp một cách thỏa đáng bởi các nhà cung cấp khác và bằng trữ lượng khổng lồ của chính quốc gia này. Nhưng thực tế cho thấy Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi một loạt các cú sốc về nguồn cung.
Mông Cổ đã thay thế Australia trở thành nguồn cung cấp than lớn nhất cho Trung Quốc, nhưng đại dịch COVID-19 đã buộc nước này phải đóng cửa hai tuyến đường vận tải than chính vào tháng 5/2021.
Trong khi đó, lượng than có sẵn từ các nhà cung cấp là có giới hạn. Tổng nhập khẩu than luyện kim của Trung Quốc đã giảm từ 46 triệu tấn trong giai đoạn tháng 1-7/2020 xuống còn 26 triệu tấn trong khoảng thời gian từ tháng 1-7/2021.
Các nhà máy thép của Trung Quốc trung bình tiêu thụ gần 700 triệu tấn than mỗi năm và 88% lượng than đến từ các mỏ trong nước. Tuy nhiên, than nhập khẩu vẫn là yếu tố quan trọng cả về chất lượng và sự linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu.
Trong khi đó, nguồn cung nội địa của Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn. Hàng loạt vụ tai nạn đã buộc nhiều mỏ than của Trung Quốc phải đóng cửa. Đầu tháng 9/2021, một mỏ than công suất 6 triệu tấn/năm ở tỉnh Sơn Tây đã bị buộc phải đóng cửa trong một tháng sau khi một công nhân thiệt mạng. Trước đó, chính quyền tỉnh Sơn Tây đã phải đóng cửa 22 mỏ than trong tỉnh sau ba vụ tai nạn khai thác vào tháng 6/2021.
Theo tờ South China Morning Post, 1/4 công suất khai thác ở Sơn Tây - tỉnh sản xuất nhiều than nhất Trung Quốc – đã phải ngừng hoạt động vì lý do an toàn. Việc đóng cửa mỏ than vì lý do an toàn cũng đã được đưa ra ở các tỉnh Hà Nam và Hà Bắc.
Sau khi thêm một mỏ than phải đóng cửa trong tháng 9/2021, than luyện cốc chất lượng cao từ Sơn Tây đã tăng giá lên 613 USD/tấn. Than nhập khẩu cho các nhà máy thép cũng tăng giá lên mức kỷ lục 412 USD/tấn.
Sự gia tăng giá than tại Trung Quốc đã kéo giá than của Australia tăng theo. Đầu tháng 9/2021, than Australia được giao dịch ở mức 274 USD/tấn, tăng từ mức 100 USD/tấn kể từ sau khi lệnh cấm vận của Trung Quốc được áp dụng.
Trong khi đó, giá than tăng cũng khiến các nhà máy thép Trung Quốc chuyển chi phí sang khách hàng của họ. Với việc ngành thép Trung Quốc được lệnh duy trì sản lượng năm 2021 không quá 1,06 tỷ tấn trong năm 2020, các khách hàng buộc phải cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung.
Điều này đang đẩy giá thép lên cao hơn. Giá cổ phiếu của nhà sản xuất thép lớn nhất BaoSteel đã tăng 60% lên mức kỷ lục kể từ tháng 6/2021, khi các giới hạn sản xuất của chính phủ trở nên rõ ràng.
Việc áp đặt các rào cản thương mại luôn gây ra một số thiệt hại. Các nhà máy bia của Trung Quốc đã đưa ra đề nghị không áp thuế đối với lúa mạch Australia vì khó có thể thay thế bằng lúa mạch khác có cùng chất lượng.
Người tiêu dùng Trung Quốc đang bị từ chối tiếp cận mặt hàng tôm hùm từ Australia vốn có chất lượng cao và hiện đang phải trả phí bảo hiểm cao để có thể có được sản phẩm này thông qua đường hàng lậu. Các nhà chức trách Trung Quốc luôn nghĩ rằng những chi phí như vậy là nhỏ so với các mục tiêu địa chính trị rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, chi phí thép gia tăng hiện đang ảnh hưởng trực tiếp tới lạm phát nói chung. Tính đến tháng 8/2021, giá nhập khẩu tại các nhà máy của Trung Quốc đã tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2020, và là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 13 năm qua.
Trong khi những biện pháp hạn chế gần đây của Trung Quốc đối với các công ty công nghệ, dịch vụ dạy kèm tại nhà và ngành công nghiệp giải trí đang thu hút sự chú ý của toàn cầu, thì có thể những can thiệp pháp lý trong ngành thép, bao gồm cả lệnh cấm vận đối với than của Australia, sẽ gây ra những thách thức nhất định đối với nền kinh tế Trung Quốc.