Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 ước tính nhập siêu 1,3 tỷ USD, tính chung 8 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 3,71 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,69 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,65 tỷ USD.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2021 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 9,65 tỷ USD, giảm 5,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,85 tỷ USD, giảm 5,4%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 tăng 21,2%, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước tăng 24,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,6%. Nhìn chung nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm so với tháng trước nhưng vẫn ở mức khá cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 76,05 tỷ USD, tăng 29,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 140,21 tỷ USD, tăng 36,4%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 24,59 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. 8 tháng đầu năm 2021 đạt 191,2 tỷ USD, tăng 33,6%, chiếm 88,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm này trong 8 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm 2020 như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 19,2%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 35,5%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 42,7%; thép các loại tăng 43,5%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 29,5%; vải các loại tăng 27,8%; bông các loại tăng 32,8%; xăng dầu các loại tăng 14,7%...
Trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát đạt 13,5 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong nhóm hàng này, kim ngạch nhập khẩu rau quả tăng 16,4%, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc tăng 35,5%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 72,2%, Phế liệu sắt thép tăng 104,4% về kim ngạch.
8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 72,5 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 34,6 tỷ USD, tăng 20,5%. Thị trường ASEAN đạt 28 tỷ USD, tăng 46,7%. Nhật Bản đạt 14,5 tỷ USD, tăng 13,5%. Thị trường EU đạt 10,9 tỷ USD, tăng 16,8%. Hoa Kỳ đạt 10,3 tỷ USD, tăng 11,8%.
Bộ Công thương nhận định, trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, có phạm vi trải rộng trên toàn quốc, tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, động lực tăng trưởng của cả nước.
Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa đã và đang được tập trung tháo gỡ quyết liệt; tuy nhiên tại một số địa phương, công tác tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn cứng nhắc, ban hành một số quy định không phù hợp, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các cơ quan trung ương.
Các nhà máy, đơn vị sản xuất đóng tại địa phương là một mắt xích của chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng nên khi bị gián đoạn tại một địa phương đã tác động dây chuyền, gây khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng.