Theo Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 6/1 đến 16 giờ ngày 7/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.278 ca mắc mới, trong đó 24 ca nhập cảnh và 16.254 ca ghi nhận trong nước (giảm 163 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 11.423 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.021 ca/ngày.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 30 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam (14), Thành phố Hồ Chí Minh (11), Thanh Hóa (2), Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng (mỗi địa phương 1).
Cố gắng kiểm soát tốt ca mắc Omicron
Về tình hình của những bệnh nhân mắc biến chủng mới Omicron, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong số 11 bệnh nhân, đến hôm nay đã có 6 bệnh nhân xuất viện, 5 ca còn lại đang được điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12. Diễn biến bệnh của các F0 này rất nhẹ, không có triệu chứng.
Trước đó, ngày 6/1, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 5 người mắc COVID-19 mang biến chủng Omicron, nâng tổng số ca nhiễm Omicron được phát hiện tại thành phố lên 11 người. Cả 5 ca mới ghi nhận này đều là người nhập cảnh trong tháng 12/2021, đều được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm.
Sau khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, những người này được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12. Mẫu xét nghiệm được làm giải trình tự gene và có kết quả là nhiễm biến chủng Omicron.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh cố gắng kiểm soát và kiểm soát tốt ca nhiễm Omicron, chưa phát hiện ca trong cộng đồng. Các đối tượng đi kèm với ca mắc Omicron đã được truy vết và xét nghiệm, qua nhiều ngày chưa phát hiện F1 dương tính.
Thời gian tới, để đối phó với Omicron, bên cạnh văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng có hướng dẫn chuyên môn về ứng phó với chủng mới Omicron cho các Ban Chỉ đạo liên ngành về việc từ khi phát hiện đến khi cách ly, truy vết và phòng ngừa có ca nhiễm.
Siết các biện pháp phòng, chống dịch với người nhập cảnh
Tỉnh Tây Ninh bắt đầu siết lại các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh trước lo ngại biến chủng Omicron xâm nhập qua biên giới. Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2022, tỉnh yêu cầu người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ (trừ trẻ em dưới 2 tuổi).
Theo Sở Y tế tỉnh Tây Ninh, ngoài ra, khi nhập cảnh vào Việt Nam, người nhập cảnh phải cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-Covid để khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của Việt Nam (khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ được khuyến khích sử dụng).
Người nhập cảnh là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân, nếu chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm chưa đủ liều sẽ được tiêm chủng miễn phí trong thời gian cách ly (nếu đủ điều kiện). Trường hợp không đủ điều kiện tiêm trong thời gian này thì sẽ tiêm ngay sau khi về địa phương cư trú...
Trường hợp người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 là người nước ngoài, hoặc người Việt Nam từ nước thứ 3 vào Campuchia để về Tây Ninh, phải cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở cách ly 3 ngày và tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày. Riêng người Việt Nam đang lưu trú ở Campuchia được khuyến khích xét nghiệm RT-PCR âm tính trước khi nhập cảnh.
Nỗ lực không để biến chủng Omicron xâm nhập
Dừng các hoạt động tập trung đông người không thực sự cần thiết trong dịp Tết; giám sát, quản lý chặt chẽ tất cả trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài vào Quảng Ninh bằng đường hàng không, đường biển để kịp thời, phát hiện ngăn chặn ca F0 nhiễm Omicron xâm nhập. Đây là những giải pháp của tỉnh Quảng Ninh nhằm giảm tốc độ lây lan, phát sinh các ca F0 hằng ngày trên địa bàn tỉnh dưới mức trung bình của cả nước để đảm bảo người dân được vui Tết, đón Xuân an toàn trong trạng thái "bình thường mới."
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhận định tỉnh đang đối diện với 4 áp lực rất lớn đó là: số ca F0 hàng ngày vẫn đang tăng quá nhanh; biến chủng Omicron đã xuất hiện ở một số địa phương lân cận trong khi hoạt động giao thương, đi lại của nhân dân trong dịp Tết sẽ rất sôi động, nhất là ở địa bàn trọng điểm về kinh tế-xã hội như Quảng Ninh. Việc mở lại các chuyến bay thương mại từ ngày 1/1/2022 khiến khách đi du lịch Việt Nam, người Việt từ nước ngoài về đón Tết tăng cao, dẫn tới nguy cơ xuất hiện biến thể Omicron từ các trường hợp nhập cảnh và lây lan ra cộng đồng là rất lớn.
Hành khách khai báo y tế trước khi nhập cảnh. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Ngoài ra, y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế học đường vẫn đang đòi hỏi phải được nâng cao năng lực hơn nữa về mọi mặt.
Nhằm ngăn chặn biến chủng Omicron xâm nhập, lây lan, bùng phát trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu những người Quảng Ninh từ nước ngoài trở về tỉnh và người thân của những người từ nước ngoài trở về trong dịp Tết phải nghiêm túc chấp hành quy định về phòng, chống dịch, không nên tiếp xúc với bên ngoài, không nên ra khỏi nơi cư trú.
Các địa phương phải thần tốc hơn, triệt để hơn trong truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, trả kết quả nhanh nhất để kịp thời xử lý...
Bộ Y tế bổ sung các thông tin về tiêm liều cơ bản, liều bổ sung, liều nhắc lại vào giấy xác nhận tiêm chủng
Ngày 7/1/2022, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 43/QĐ-BYT sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Giấy xác nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ có 3 mục. Khi người dân tiêm vaccine sẽ được cấp giấy xác nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 với chi tiết các mũi tiêm.
Cụ thể, liều cơ bản với 3 mũi tiêm. Liều bổ sung 1 mũi tiêm và cuối cùng là liều nhắc lại với 3 mũi tiêm.
Tại Quyết định 43/QĐ-BYT cũng thay thế 3 Phụ lục 4, 5, 6 bằng các Phụ lục tương ứng, bao gồm Phụ lục 4. Giấy xác nhận đã tiêm vaccine COVID-19; Phụ lục 5. Mẫu báo cáo kết quả tiêm hàng ngày; Phụ lục 6. Mẫu báo cáo kết thúc đợt triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Các nội dung khác về tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thực hiện theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế.