Theo NBC News, khả năng tiêu thụ alcohol từ những hoa quả mục nát, lên men rơi xuống nền rừng của tổ tiên loài người có thể sẽ bật mí thời điểm họ chuyển sang sống dưới mặt đất thay vì sống ở trên cây.
Các nhà khoa học tập trung vào gene mã hóa cho một nhóm enzyme tiêu hóa gọi là ADH4 nhằm nghiên cứu cách thức con người tiến hóa để phân hủy alcohol. Các enzyme tiêu hóa này có trong dạ dày, cổ họng và lưỡi của nhiều loài linh trưởng giúp chuyển hóa một số alcohol như ethanol sau khi hấp thụ vào cơ thể.
Nhóm nghiên cứu xem xét các gene ADH4 từ 28 loài động vật có vú khác nhau để kiểm tra sự sự xuất hiện và phát triển của loại gene này theo thời gian. Kết quả cho thấy, một đột biến gene di truyền khoảng 10 triệu năm trước đã giúp tổ tiên loài người có khả năng phân hủy rượu ethanol.
Matthew Carrigan, nhà di truyền học tại trường Cao đẳng Santa Fe ở Florida, Mỹ, cho biết: "Rất nhiều khía cạnh về đặc điểm của con người hiện đại như hay đau lưng, ăn quá nhiều muối, đường và chất béo đều là hệ quả của quá trình tiến hóa. Chúng tôi đang muốn tìm hiểu thêm về những mối liên hệ giữa con người hiện đại đối với rượu ethanol".
Các nhà khoa học cũng lưu ý rằng, thời gian đột biến này xảy ra trùng hợp với thời điểm thay đổi lối sống trên cạn của con người. Khả năng tiêu thụ ethanol giúp tổ tiên loài người ăn trái cây thối rơi xuống mặt đất, khi các thực phẩm khác còn khan hiếm.