Trong lời mở đầu bài viết “Chống lãng phí” được đăng tải gần đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí.
Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.
Với tiêu đề ngắn gọn, nội dung súc tích, bài viết đã gợi mở một vấn đề rất quan trọng nhưng cũng rất thiết thực, nhắm đúng vào lĩnh vực người dân quan tâm, nên được tuyệt đại đa số cán bộ đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, trở thành lời hiệu triệu “đắc nhân tâm” của người đứng đầu Đảng và Nhà nước.
Khơi nguồn truyền thống văn hóa dân tộc
Là đất nước thường xuyên chịu thiên tai, giặc ngoại xâm, nên từ xa xưa, cần cù tiết kiệm đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp của người dân Việt Nam. Việc thực hành tiết kiệm, đấu tranh với lãng phí có những giai đoạn phát triển lên đến đỉnh cao, như trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong những năm tháng bị bao vây cấm vận.
Vào những thời điểm cam go đó, toàn dân tiết kiệm để chi viện cho mặt trận, cho tiền tuyến. Các phong trào tiết kiệm như “hũ gạo nuôi quân” được phát động sôi nổi trong mọi tầng lớp nhân dân.
Theo ông Lăng Đức Quyền, nhà nghiên cứu về các vấn đề Việt Nam, nguyên trưởng phân xã Tân Hoa xã tại Hà Nội, từ xưa đến nay, trải qua bao đời, sự hoang phí, xa hoa vô độ không chỉ bị người đời khinh bỉ, mà còn dẫn đến vận thế quốc gia suy giảm, xã hội suy thoái, nhân dân khổ cực. Cần cù tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí luôn là một giá trị tốt đẹp trong văn hóa truyền thống phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng.
Giáo sư, Tiến sỹ Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Công nghiệp Chiết Giang, Trung Quốc cho rằng bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm một mặt thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề chống lãng phí, một mặt khẳng định Ban lãnh đạo mới sẽ kế thừa truyền thống văn hóa tiết kiệm tốt đẹp của dân tộc, mà điển hình là học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiết kiệm, phòng chống lãng phí.
Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc về Bác với sự trân trọng nhất. “Sinh thời, Bác luôn chú trọng phòng, chống lãng phí. Bác căn dặn 'Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân.' Người chỉ rõ 'Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...' Thậm chí kể cả trước lúc đi xa, Bác cũng không quên dặn dò: 'Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.'
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: TTXVN |
Không chỉ là thường xuyên căn dặn, nhắc nhở, bàn luận về tiết kiệm, chống lãng phí dưới góc độ lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đã truyền cảm hứng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua, huy động, hội tụ tiềm lực, sức mạnh chiến thắng thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Với bài viết của Tổng Bí thư, chống lãng phí đã thổi luồng sinh khí mới vào truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta về tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, làm cho chống lãng phí có nội hàm phong phú hơn, có cơ sở lý luận vững chắc hơn, phù hợp với sự phát triển và yêu cầu của thời đại, trở thành động lực tinh thần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Lời hiệu triệu “đắc nhân tâm”
Ngày nay, đất nước phát triển, của cải vật chất dồi dào, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có phần bị mai một, xem nhẹ, một số nơi, một bộ phận người dân tiêu pha quá trớn, hoang phí của công, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, làm suy yếu nguồn lực, xói mòn niềm tin của nhân dân, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Bởi vậy, bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm chính là lời nhắc nhở kịp thời, lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, được giới nhân sỹ, trí thức trong ngoài nước đánh giá cao, được tuyệt đại đa số cán bộ đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Ông Trần Đình Thảo, nguyên Phó trưởng Ban tin trong nước, nguyên Phó Tổng Biên tập các Báo Tin tức, Báo Le Courrier du Vietnam, Thông tấn xã Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Theo ông Trần Đình Thảo, nguyên Phó trưởng Ban tin trong nước, nguyên Phó Tổng Biên tập các Báo Tin tức, Báo Le Courrier du Vietnam, Thông tấn xã Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra vấn đề chống lãng phí trong giai đoạn hiện nay là việc hết sức cần thiết, vì suy cho cùng, tham ô, tham nhũng còn có thể thu hồi được, nhưng lãng phí là một đi không trở lại, chưa thấy ai bồi thường thiệt hại do lãng phí. Lãng phí thời gian, công sức, cơ hội càng không thể thu hồi. Bởi vậy, vấn đề chống lãng phí được Tổng Bí thư đưa ra lúc này được tuyệt đại đa số cán bộ đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, trở thành lời hiệu triệu “đắc nhân tâm.”
Ông Trần Đình Thảo tin rằng lần phát động này của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ mang lại thành công. Ông nhấn mạnh chúng ta cần phải làm triệt để, phải để đại hội XIV tới là Đại hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, như vậy mới đạt được yêu cầu cần và đủ trong chỉ đạo điều hành.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sỹ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhấn mạnh tầm quan trọng của ý Đảng lòng dân.
Ông nhận định: “Niềm tin của Nhân dân tự bao đời nay luôn đặt đúng chỗ. Có được niềm tin, sự ủng hộ của Nhân dân, chắc chắn công cuộc phòng, chống lãng phí của Đảng do người đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ bước vào một tầm mức mới; chắc chắn sẽ thành công và đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào sứ mệnh đưa đất nước ta sẵn sàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới.”
Giá trị thời đại của chống lãng phí
Vấn đề chống lãng phí đã có từ lâu, nhưng qua bài viết của Tổng Bí thư, chống lãng phí đã được đưa lên một tầm cao mới, đúng và xứng với vai trò, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, mang ý nghĩa và giá trị thời đại sâu sắc.
Sau một thời gian dài quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, chăm lo cho đời sống nhân dân, duy trì sản xuất, ngân sách nhà nước đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Cùng với đó, chúng ta đặt ra hai mục tiêu thế kỷ, 100 năm thành lập Đảng (năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao) và 100 năm thành lập nước (năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao). Nhiệm vụ sắp tới là vô cùng nặng nề. Từng quốc gia và từng gia đình sẽ không thể giàu mạnh nếu để xảy ra tình trạng lãng phí một cách phổ biến. Chỉ có tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực thật hiệu quả, chúng ta mới có thể dồn các nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chăm lo an sinh xã hội, vượt qua khó khăn, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới.
Giáo sư, Tiến sỹ Thành Hán Bình cho rằng bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra rất kịp thời, thể hiện lập trường kiên định của ban lãnh đạo mới Việt Nam về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực tế đã chứng minh, tham nhũng, lãng phí hiện đã trở thành vấn nạn toàn cầu mà mọi quốc gia đều phải đối mặt.
Xã hội ngày càng phát triển, ngày càng văn minh, của cải vật chất ngày càng đủ đầy. Song chúng ta vẫn cần phải kiên trì với mục tiêu ban đầu, nghiêm túc thực hành tiết kiệm, đấu tranh với lãng phí. Đây không chỉ là tiêu chí của văn minh, mà còn là nhu cầu của thời đại.
Giáo sư, Tiến sỹ Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam, Đại học Công nghiệp Chiết Giang (Trung Quốc). Ảnh: TTXVN phát |
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Thành Hán Bình, ngày nay, Việt Nam đang hướng tới trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình cao và đưa ra “hai mục tiêu chiến lược 100 năm.” Trong quá trình đầy thách thức này, việc chống tham nhũng và chống lãng phí là vô cùng quan trọng, thậm chí nó còn quyết định đến việc thành bại của cả quá trình. Vì vậy, lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm là rất kịp thời, cần thiết, mang giá trị thời đại, là lời cảnh tỉnh quan trọng đối với toàn Đảng, cần phải nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không khoan nhượng với tham nhũng, từ đó mới có thể thực hiện thành công hai mục tiêu 100 năm vĩ đại trên.
Theo ông Lăng Đức Quyền, bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã trình bày sâu sắc và toàn diện về một nhiệm vụ quan trọng khác mà Việt Nam cần thực hiện khi đứng trước cơ hội lịch sử của “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc,” đó là nhiệm vụ chống lãng phí và thực hành tiết kiệm. Điều này vừa mang tính cấp bách, cũng rất thiết thực để Việt Nam, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản, đẩy nhanh sự phát triển toàn diện, nhằm tăng cường nguồn lực thực hiện hai mục tiêu thế kỷ.
Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước Việt Nam nay đã “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn,” nhưng so với xu thế thời đại, vẫn còn khiêm tốn, so với khát vọng dân tộc, vẫn còn khoảng cách xa rộng.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, đây là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Cho nên, không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế, cần phải chớp lấy thời cơ, nắm lấy cơ hội, nghiêm túc thực hành tiết kiệm, đấu tranh với lãng phí, xa hoa, cộng hưởng tinh thần cách mạng với xu thế lịch sử, sức mạnh thời đại để tăng cường nguồn lực cho đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.