Năm bệnh viện hiện đang có máy chạy thận nhân tạo là Bệnh viện Đa khoa Long An (thành phố Tân An), Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa), Bệnh viện Đa khoa Khu vực Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc), Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười (thị xã Kiến Tường), Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (huyện Bến Lức).
Trên địa bàn tỉnh Long An hiện có 150 máy chạy thận vận hành liên tục 3 ca trong 24 giờ, phục vụ cho 415 bệnh nhân; còn khoảng 320 bệnh nhân khác phải chạy thận nhân tạo ngoài tỉnh. Thời gian qua, hầu hết các bệnh viện công trên địa bàn tỉnh Long An thiếu máy chạy thận trầm trọng khiến người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều trị. Bên cạnh đó, dự báo của ngành Y tế tỉnh, đến năm 2025 số lượng bệnh nhân suy thận có nhu cầu chạy thận lên đến 981 người.
Giám đốc Sở Y tế Long An Huỳnh Minh Phúc cho biết: Tỉnh đang nỗ lực để những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn chạy thận nhân tạo ngoài tỉnh, được chạy tại địa phương với chi phí thích hợp nhất. Thực hiện mục tiêu đó, bên cạnh hướng tới đầu tư cơ sở máy móc trang thiết bị, Sở Y tế Long An đang tổ chức đào tạo lớp Thận nhân tạo cho đối tượng bác sĩ, điều dưỡng và kỹ sư tại Bệnh viện Đa khoa Long An. Tham gia lớp học do các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) giảng dạy này, học viên được đào tạo liên tục về thận nhân tạo cơ bản trong vòng 3 tháng và xử lý nước trong thận nhân tạo trong vòng 1 tháng; được cập nhật kiến thức, nhất là những kỹ thuật mới liên quan đến thận nhân tạo từ các bác sĩ nổi tiếng của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Cùng với đó, giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh quan tâm đầu tư mua sắm 89 máy chạy thận nhân tạo và các trang thiết bị liên quan với kinh phí khoảng 57 tỉ đồng, từng bước phục vụ nhu cầu chạy thận nhân tạo cho người dân trên địa bàn. Số máy này được trang bị cho 5 đơn vị y tế có đủ điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực để vận hành gồm: Bệnh viện Đa khoa Long An (34 máy); Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hậu Nghĩa (10 máy), Bệnh viện Đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười (10 máy), Trung tâm Y tế huyện Bến Lức (10 máy) và Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng (25 máy).
Theo Giám đốc Sở Y tế Long An, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ đầu tư thêm 25 máy chạy thận nhân tạo trang bị cho các cơ sở y tế tuyến huyện. Theo đó, giai đoạn 2025-2026, tất cả các cơ sở này có thể thực hiện việc chạy thận nhân tạo.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Mục tiêu chung ngành Thận nhân tạo là đến năm 2025, địa phương cấp huyện đều có cơ sở y tế được trang bị máy chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, hiện tỉ lệ này tại các tỉnh phía Nam còn thấp. Các bệnh viện khu vực, trung tâm y tế huyện đang phải tự chủ tài chính, trong khi chạy thận không mang lại nguồn thu nhiều. Đây là khó khăn khiến các địa phương dè dặt trong đầu tư máy móc, trang thiết bị.
Thống kê của Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, tại Việt Nam có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số. Việt Nam hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo, cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30 nghìn bệnh nhân mỗi năm. Con số này chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu chạy thận nhân tạo của người bệnh.