Những năm gần đây, rong biển lđược giới khoa học kỳ vọng sẽ lưu trữ một lượng lớn khí CO2, tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Niềm tin này được củng cố sau khi một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature (Anh) cho thấy, rong biển lưu trữ tới 175 triệu tấn carbon - tức 10% lượng phát thải của ô tô trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới cũng cho rằng, thực chất rong biển không hẳn là một "bể chứa" carbon tự nhiên, mà có thể cũng là một nguồn phát thải carbon.
Có nhiều lý do để coi rong biển là bể chứa carbon khổng lồ. Hiện rong biển bao phủ 3,4 triệu km vuông trong đại dương; một số loài có thể phát triển thêm 60cm mỗi ngày. Một khi rong biển bị chôn vùi trong các lớp trầm tích dưới đáy biển, carbon sẽ được "giam giữ" an toàn tới vài trăm năm.
Vậy vấn đề nằm ở đâu? Thông thường, những vùng nước ven biển sẽ mang theo sinh vật phù du và chất hữu cơ từ nơi xa theo dòng chảy của mình. Chúng là nguồn thức ăn cho các động vật sống cùng khu vực với rong biển như hải tiêu, động vật có vỏ... Khi những sinh vật này tiêu hóa thức ăn, chúng sẽ thải ra khí CO2. Khi quá trình này diễn ra ở quy mô lớn, lượng carbon lưu trữ và phát thải của hệ sinh thái rong biển sẽ bị mất cân bằng.
Nghiên cứu trên ước tính, mỗi năm, một hệ sinh thái rong biển thải ra 20 tấn carbon/km vuông vào khí quyển. Con số thật có thể lớn hơn nhiều - lên tới 150 tấn carbon/km vuông mỗi năm, các nhà khoa học dự đoán. Dù chưa phải kết quả chính thức, nhưng nếu con số này là sự thật, nó sẽ lớn gấp 3 lần lượng carbon mà 1 km vuông rong biển hấp thụ được mỗi năm: 50 tấn.
Vậy con người có nên tìm một hệ sinh thái khác để thay thế rong biển? Câu trả lời là chưa đến lúc. Bởi các nhà khoa học chưa biết chắc rằng những hệ sinh thái mới, chẳng hạn như nhím biển, có phát thải ít carbon hơn rong biển hay không. Nếu hệ sinh thái thay thế phát thải nhiều carbon hơn, thì tốt nhất là chúng ta nên giữ rong biển lại.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng, sau khi nghiên cứu trên được công bố, con người không nên coi rong biển là "viên đạn bạc" trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.